Trong thông báo ngày 30/3, Tổng thống Kyaw đã chính thức chỉ định bà Suu Kyi vào vị trí người đứng đầu cơ quan ngoại giao, theo Tân Hoa xã. Trước đó, tên của bà được xướng lên đầu tiên trong nội các mà tổng thống dân bầu đầu tiên của Myanmar đệ trình lên quốc hội nước này. Các nhà phân tích sớm dự đoán việc bà Suu Kyi trở thành ngoại trưởng của Myanmar.
Thông báo bổ nhiệm bà Suu Kyi được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Kyaw tuyên thệ nhậm chức. Ngoài cương vị ngoại trưởng, bà Suu Kyi còn kiêm nhiệm 3 chức vụ khác là bộ trưởng Giáo dục, bộ trưởng Năng lượng và chánh Văn phòng tổng thống Myanmar.
Bà
Aung San Suu Kyi vừa được bổ nhiệm vào nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ Myanmar. Ảnh: Reuters |
Theo hiến pháp, bà Suu Kyi, chủ tịch đảng Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ (NLD), không thể trở thành tổng thống do có chồng và con mang quốc tịch nước ngoài. Ông U Htin Kyaw, một thành viên khác của NLD, được cử ra tranh cử và trở thành tổng thống Myanamr. Ông Kyaw là một trong những người thân cận nhất bên bà Aung San Suu Kyi.
Ngoài bà Suu Kyi, 5 nghị sĩ khác của đảng NLD cầm quyền cũng được bổ nhiệm vào cương vị bộ trưởng Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy sản, bộ trưởng Giao thông vận tải và Thông tin liên lạc, bộ trưởng Thương mại, bộ trưởng Phúc lợi xã hội, cứu trợ và tái định cư và bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính của Myanmar.
Hai nghị sĩ của đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) đối lập được chỉ định vào cương vị bộ trưởng Các vấn đề tôn giáo và văn hóa và bộ trưởng Lao động, Nhập cư và Dân số. Danh sách nội các mới còn bao gồm 7 chuyên gia không nằm trong danh sách nghị sĩ của Myanmar.
Kế hoạch thành lập nội các mới được ông Kyaw đệ trình lên quốc hội trong tháng 3. Theo đề xuất, chính phủ mới gồm 21 bộ và 18 bộ trưởng, giảm từ 36 bộ và 32 bộ trưởng so với chính quyền trước đó.
Ngày 15/3, ông Kyaw, trợ lý thân cận của bà Suu Kyi, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và chính thức trở thành tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar sau 5 thập kỷ. Ông Kyaw ca ngợi chiến thắng của mình trong cuộc bầu cử cũng đồng thời là thắng lợi cho bà Suu Kyi. “Chiến thắng. Đây là thắng lợi của người chị Suu Kyi. Cảm ơn các bạn”, ông Kyaw tuyên bố.
Sau nhiều tuần đàm phán, đảng NLD không thể thuyết phục quân đội Myanmar loại bỏ hoặc thay đổi điều luật để bà Suu Kyi có thể nhậm chức. Mặc dù vậy, người phụ nữ 70 tuổi luôn khẳng định sẽ vẫn điều hành đất nước và đứng trên cả tổng thống.
Trước đó, ngày 9/11/2015, Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền đã thừa nhận thất bại trước đảng đối lập của bà Suu Kyi. Cuộc tổng tuyển cử ngày 8/11 là lần bầu cử tự do đầu tiên ở Myanmar sau 25 năm. Đây là chiến thắng mà giới quan sát ca ngợi là lịch sử đồng thời coi đó là tiền đề cho nền dân chủ Myanmar.
Năm 1990, đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Tuy nhiên, chính quyền quân sự phủ nhận kết quả này. Bà Suu Kyi sau đó chịu quản thúc 20 năm tại gia trước khi được phóng thích vào năm 2010. Những nỗ lực không mệt mỏi trong quá trình đấu tranh giành dân chủ cho Myanmar khiến bà Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991.