Bà Aung San Suu Kyi phát biểu trước những người ủng hộ trên ban công trong đại bản doanh của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ tại thủ đô Rangon hôm 9/11. Ảnh: AP. |
Do giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử hôm 8/11, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi sẽ thành lập chính phủ mới. Song rất nhiều cơ quan công quyền sẽ nằm ngoài sự kiểm soát của NLD.
Mặc dù NLD giành thắng lợi vang dội, Myanmar sẽ vẫn phải đối mặt với viễn cảnh phong trào dân chủ không thể giành quyền kiểm soát hoàn toàn quốc hội và nhánh hành pháp từ tay quân đội – thể chế đã điều hành đất nước trong suốt 5 thập kỷ qua.
Theo Hiến pháp do các tướng soạn thảo, một phần khá lớn và đầy quyền lực của nhánh hành pháp sẽ vẫn chịu sự kiểm soát trực tiếp của quân đội. Những cơ quan hành pháp ấy thực thi nhiều việc quan trọng – như cấp hộ chiếu hay theo dõi công dân.
Thant Myint-U, một sử gia cố vấn cho chính phủ, gọi chiến thắng của phe đối lập là “thắng lợi áp đảo”. Nhưng ông e rằng bà Aung San Suu Kyi sẽ buộc phải chia sẻ quyền lực mong manh với quân đội – thế lực đã quản thúc bà tại gia trong hai thập kỷ.
“Đây không phải là việc bầu chính phủ, mà là việc bầu một phần của nội các chia sẻ quyền lực với quân đội”, Thant bình luận.
Quân đội Myanmar là thể chế có tính chính trị rất cao. Song vai trò của họ vượt ra ngoài khuôn khổ chính trị. Họ có lợi ích kinh tế trong hoạt động khai thác ngọc bích và hồng ngọc; sản xuất rượu; vận hành những tuyến xe bus; kinh doanh thuốc lá, hàng dệt may và ngân hàng.
Sự cai trị của quân đội trong 5 thập kỷ cũng tạo ra hệ thống cơ quan hành pháp khổng lồ khắp đất nước và những người chỉ đạo chúng là cựu sĩ quan quân đội. Tên chính thức của hệ thống ấy là Cục Tổng quản lý. Richard Horsey, một nhà tư vấn chính trị và cựu quan chức Liên Hợp Quốc tại Myanmar, gọi nó là “xương sống của toàn bộ chính quyền địa phương”.
Giống như lực lượng cảnh sát, Cục Tổng quản lý trực thuộc Bộ Nội vụ, một trong 3 bộ quân đội kiểm soát. Hai bộ còn lại là Bộ Quốc phòng và Bộ Biên giới.
Horsey nhận định sự kiểm soát của quân đội đối với phần quan trọng của bộ máy hành pháp sẽ buộc bà Aung San Suu Kyi hợp tác với quân đội.
“Quản lý đất nước mà không có Bộ Nội vụ là việc bất khả thi. Thực tế đó cho thấy quyền hành tối cao vẫn thuộc về vị chỉ huy cao nhất của quân đội”, Horsey giải thích.
Nhưng chẳng ai biết bà Aung San Suu Kyi sẽ sẵn sàng thỏa hiệp với quân đội ở mức độ nào.
Trong quá trình vận động tranh cử suốt vài tuần qua, nữ chính trị gia thường nói về tầm quan trọng của hòa giải. “Tôi không tin vào bạo lực và sự trả thù”, bà tuyên bố vào tuần trước.
Thế nhưng Aung San Suu Kyi cũng phê phán vai trò chính trị của quân đội. Bà thường xuyên chỉ trích một điều khoản trong Hiến pháp mà theo đó quân đội nắm 25% số ghế trong Quốc hội. Thủ lĩnh của NLD tuyên bố bà sẽ tìm cách vô hiệu hóa lệnh cấm bà trở thành tổng thống mà các vị tướng quy định trong Hiến pháp.
Hôm 10/11, Aung San Suu Kyi khẳng định, với tư cách thủ lĩnh của đảng chiếm đa số trong Quốc hội, bà có quyền lựa chọn người sẽ trở thành tổng thống và nhân vật đó sẽ dưới quyền bà.
“Tôi sẽ ra mọi quyết định, bởi tôi là người lãnh đạo đảng thắng cử. Tổng thống sẽ là người mà chúng tôi lựa chọn để phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp. Chúng tôi sẽ chỉ đạo mọi hoạt động của tổng thống”, bà lập luận.
Horsey cảnh báo rằng mối quan hệ giữa Aung San Suu Kyi và các tướng quân đội là yếu tố quan trọng đối với quyền lực của chính phủ.
“Nếu họ bất hòa và đối đầu, mọi thứ sẽ rối loạn”, ông dự đoán.
Sự hoan hỉ của phong trào chính trị do Aung San Suu Kyi lãnh đạo trái ngược với tâm trạng sốc của những cựu tướng lĩnh.
The Irrawaddy, một trang tin ở Myanmar, đưa tin hôm 10/11 rằng hầu hết ứng cử viên từng phục vụ trong nội các của Tổng thống Thein Sein đã thất bại. Ngay cả người phát ngôn Hạ viện và chủ tịch đảng cầm quyền cũng không thể giành chiến thắng. Tại quận Naypyidaw ở thủ đô – nơi quân nhân chiếm tỷ lệ lớn – một cựu tướng quân đội và bộ trưởng quốc phòng đã thua trước một nhà thơ thuộc NLD.
Trong số 657 ghế trong Quốc hội, NLD đã chính thức giành 163 ghế, trong khi đảng cầm quyền chỉ giành 10 ghế.
Hôm 11/11, Ủy ban Bầu cử xác nhận Aung San Suu Kyi đã tái đắc cử vị trí trong cơ quan lập pháp.
Thant Myint-U nói rằng thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử khiến công chúng hy vọng Aung San Suu Kyi sẽ trấn áp nạn tham nhũng và cải thiện mức độ hiệu quả của những cơ quan công quyền mà quân đội không chú ý hoặc cấp ngân sách hạn hẹp. Nhưng ông e ngại rằng, việc chính phủ mới không thể điều hành trực tiếp lực lượng cảnh sát (một trong những lực lượng mà nạn tham nhũng lộng hành) cùng nhiều định chế quan trọng khác có thể khiến nỗ lực cải cách của bà trở nên khó khăn hơn nhiều.
“Những cựu tướng lĩnh, vốn hiểu rõ hệ thống cảnh sát, không thể thay đổi nó. Vì thế việc thay đổi sẽ trở nên khó hơn nhiều đối với người ngoài”, ông nhận xét.