- Ông nhận thấy điều gì từ hình ảnh đông đảo cử tri xếp hàng dài chờ đến lượt bỏ phiếu? Cảm xúc của ông về sự kiện được đánh giá mang tính lịch sử này của Myanmar?
- Cựu đại sứ Trevor Wilson: Tôi đồng tình rằng sự phấn khích và nhiệt huyết của cử tri rất quan trọng. Đây là điều đáng hoan nghênh.
Ông Trevor Wilson từng là đại sứ Australia tại Myanmar (nhiệm kỳ 2000 - 2003). Hiện ông là nghiên cứu viên cộng tác về chính trị Myanmar tại Đại học Quốc gia Australia. Ảnh: NVCC |
Nguyên nhân rất dễ hiểu, khi đây là lần đầu tiên người dân cả nước có thể bỏ phiếu cho bà Aung San Suu Kyi và đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD).
Họ đã không thể tham gia cuộc bầu cử năm 2010. Khi đó, NLD bị phân chia thành nhiều nhóm nhỏ để tham gia bầu cử, và chỉ giành được rất ít ghế.
Vào cuộc bầu cử cách đây 25 năm, bà Suu Kyi đang bị giam lỏng và không cho phép ứng cử hay vận động tranh cử. Do vậy, người dân Myanmar khi đó không thể có cảm giác như ngày hôm nay.
Tuy lần này đảng NLD không công bố cụ thể về các chính sách, họ đã mang đến cho cử tri tia hy vọng về sự thay đổi.
- Nhà báo Zeya Thu: Người dân Myanmar hào hứng vì lần này họ được tự bầu ra chính phủ, do vậy tỷ lệ cử tri đi bầu cử rất cao. Đây là cuộc bầu cử đầy cạnh tranh đầu tiên kể từ năm 1990, là bước đi quan trọng đối với Myanmar.
Tuy nhiên, đây chỉ là sự khởi đầu. Chúng tôi cần tận dụng sự nhiệt huyết này của người dân để xây dựng đất nước. Cử tri đã hoàn thành nhiệm vụ của họ. Bây giờ đến lượt những vị đắc cử phải đưa quốc gia lên một tầm mới.
NLD không có kinh nghiệm về điều hành chính quyền
- Một vấn đề của NLD là họ dường như không có những thành viên khác đủ để cạnh tranh với sự ảnh hưởng của bà Suu Kyi. Trong suốt giai đoạn tranh cử, bà có thể là bộ mặt duy nhất của đảng này. NLD cần chuẩn bị thế nào cho giai đoạn hậu bầu cử?
- Cựu đại sứ Trevor Wilson: Đúng là đảng NLD không có một phó thủ lĩnh thực sự hoặc cấu trúc tổ chức rõ ràng. Tuy nhiên, tôi nghĩ họ quy tụ rất nhiều người thông minh và dày dạn kinh nghiệm, kiến thức sâu rộng và am tường các vấn đề chính trị.
Ông Zeya Thu là phó tổng biên tập tuần báo The Voice Weekly. Báo chuyên về các vấn đề chính trị ở Myanmar, tòa soạn đặt tại thành phố Yangon. Ảnh: Asianews |
- Nhà báo Zeya Thu: Đảng NLD chính là bà Aung San Suu Kyi, đây là một sự thật đơn giản. Đảng này phụ thuộc rất lớn vào bà.
Phần lớn các cộng sự lão thành của bà nay cũng đều ở độ tuổi 70 - 80. Do vậy, sau bầu cử, bà cần phải chiêu mộ thêm nhiều gương mặt trẻ tuổi và có học vấn để xây dựng đảng.
Tín hiệu tốt là trước đó NLD đã chiêu mộ thêm một số gương mặt trẻ và có học vấn để tham gia bầu cử. Tuy nhiên, những thành viên mới vẫn cần thời gian thử thách trước khi thực sự tham gia vào ban nòng cốt có thể ban hành quyết định của NLD.
- Khi bầu cử kết thúc, điều khiến nhiều người quan ngại là khả năng lãnh đạo của chính phủ do NLD thành lập?
- Cựu đại sứ Trevor Wilson: Quả thực đảng NLD không có kinh nghiệm về điều hành chính quyền dù ở cấp độ nào. Do vậy, họ phải học hỏi rất nhiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng họ sẽ lắng nghe và tiếp thu các ý kiến từ những chuyên gia cố vấn.
- Nhà báo Zeya Thu: NLD có thể mời một số nhân tài ngoài đảng để tham gia bộ máy. Họ không chỉ là người có học vấn và động lực mà phải có kinh nghiệm về quản trị công. Việc tuyển chọn cũng như bổ nhiệm các gương mặt này vào vị trí trong chính phủ cần phải diễn ra công bằng, vô tư.
Cách làm này sẽ giống như một hòn đá trúng 2 mục tiêu. NLD có thể xây dựng lòng tin với công chúng và giới quan sát, đồng thời có thể tận dụng nhân lực để giải quyết vô số thách thức trước mắt của đất nước.
Việc xây dựng lòng tin giữa NLD và quân đội rất quan trọng
- Những thách thức hậu bầu cử của bà Suu Kyi và đảng NLD là gì?
- Nhà báo Zeya Thu: NLD có nhiều thách thức cần giải quyết sau cuộc bầu cử. Đầu tiên, họ cần phải quản lý khéo léo sự kỳ vọng cao độ và sự phấn khích của người dân để tránh bị phản tác dụng. Việc thành lập chính phủ không phải dễ dàng vì cần phải tìm được người có khả năng và đạt được thỏa thuận với các bên.
Tôi cũng cho rằng đàm phán hòa bình là một ưu tiên và phải đẩy nhanh. Là một xã hội với 135 nhóm dân tộc và khoảng 20 nhóm vũ trang, chính phủ cần xây dựng một liên bang thực sự.
Các tiến trình cải cách kinh tế cũng phải được thúc đẩy thêm nữa. Nếu không, quá trình cải cách ở Myanmar có thể bị ngưng trệ hoặc thậm chí sụp đổ. Rất nhiều vấn đề quan trọng phải thực hiện trong giai đoạn sắp tới.
- Ông dự đoán thế nào về cuộc tranh đấu chính trị giữa NLD và phe quân đội sau cuộc bầu cử lịch sử này?
- Cựu đại sứ Trevor Wilson: Theo quan sát của tôi, NLD và quân đội đang tìm hiểu nhau ngày càng tốt hơn, bắt đầu từ giai đoạn các thành viên NLD đắc cử hạ viện trong cuộc bầu cử bổ sung năm 2012.
Bản thân bà Suu Kyi không mang thái độ thù hằn với quân đội. Bà thậm chí còn bày tỏ sự tôn trọng với các tướng lĩnh. Tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing thậm chí từng mời bà Suu Kyi tham dự ngày kỷ niệm quân đội hồi năm 2013 và 2014. Tôi cho rằng, một số thành viên trong quân đội cũng đã bày tỏ sự ủng hộ với bà Suu Kyi.
Bà Aung San Suu Kyi đến địa điểm bỏ phiếu hồi cuối tuần qua trong vòng vây của người dân hâm mộ Ảnh: AFP |
- Nhà báo Zeya Thu: Đảng NLD và quân đội cần phải đàm phán với nhau. Họ không thể né tránh đối mặt nhau mãi mãi. Phe quân đội cũng hiểu rõ rằng họ cần phải hợp tác với NLD. Trên tất cả, NLD và quân đội đều là người dân Myanmar. Hôm qua (11/11), bà Suu Kyi đã kêu gọi quân đội đàm phán và họ đã phản hồi rất tích cực. Việc xây dựng lòng tin giữa NLD và quân đội không chỉ quan trọng đối với 2 bên mà là cả với Myanmar.
Thein Sein có thể trở thành tổng thống lâm thời
- Quân đội vẫn bảo toàn quyền lực đáng kể nhờ các điều trong hiến pháp. Ông nhận định thế nào về con đường chính trị sắp tới ở Myanmar?
- Nhà báo Zeya Thu: Lịch sử nội chiến kéo dài của Myanmar để lại tình trạng hiện nay là hàng chục nhóm vũ trang đang hoạt động ở đất nước chúng tôi. Do vậy, quân đội vẫn có lý do để lo ngại về tình hình chính trị trong nước vào tương lai gần, trừ phi hòa bình được bảo đảm.
Tuy nhiên, họ cũng hiểu rằng quân đội không thể ở mãi vị trí đỉnh cao để ra quyết định. Họ đã thu hẹp hoạt động trong việc ban hành chính sách và các vấn đề nội chính. Bản hiến pháp năm 2008 do chính phủ quân sự soạn thảo được xem là bảo đảm con đường rút dần quyền lực của quân đội. Vấn đề quan trọng để quyết định thời điểm quân đội hoàn toàn rời chính trường là hoạt động của các nhóm vũ trang bản địa.
Phát biểu trong ngày 10/11, bà Aung San Suu Kyi tự tin đảng NLD sẽ giành được 75% phiếu bầu. Ảnh: AFP |
- Cựu đại sứ Trevor Wilson: Tôi cho rằng quá trình dân chủ ở Myanmar sẽ tiếp tục diễn ra từng bước và chậm rãi. Người dân, quân đội và giới chức nhà nước sẽ thích nghi với điều này. Dù quân đội vẫn kiểm soát quyền lực to lớn, một số quyền hành của họ đã bị cắt giảm, như trong lĩnh vực kinh tế và bây giờ là chính trị.
- Nhận xét của ông về vai trò của Tổng thống Thein Sein trong giai đoạn chuyển tiếp vừa qua? Ai sẽ là ứng viên tiềm năng để kế nhiệm Thein Sein?
- Cựu đại sứ Trevor Wilson: Tôi nghĩ vẫn có khả năng NLD sẽ để ông Thein Sein tiếp tục giữ chức. Một khả năng khác là Thein Sein có thể trở thành tổng thống lâm thời trong thời gian ngắn. Trong lúc này, quá trình sửa đổi hiến pháp có thể diễn ra để bà Suu Kyi được trở thành tổng thống.
- Nhà báo Zeya Thu: Người dân Myanmar sẽ ghi nhớ Thein Sein là người dẫn dắt quá trình chuyển tiếp chông gai. Sau khoảng 10 hoặc 20 năm, họ sẽ hiểu rõ hơn về giai đoạn chuyển tiếp dưới thời Thein Sein.
Về gương mặt ứng viên tổng thống, hiện giờ xuất hiện rất nhiều cái tên cũng như lời đồn. Tuy nhiên, điều chắc chắn là tổng thống sẽ là người được sự ủng hộ của cả đảng NLD và quân đội.
Một trong những cái tên tiềm năng cho chức tổng thống Myanmar trong chính phủ kế tiếp là Tổng thống đương nhiệm Thein Sein. Hiến pháp cho phép ông tiếp tục giữ nhiệm kỳ thứ 2.
Chủ tịch Hạ viện Shwe Mann cũng không giấu giếm tham vọng trở thành tổng thống. Ông từng bị lật đổ khỏi vị trí lãnh đạo đảng cầm quyền.
Trong khi đó, tư lệnh Myanmar Min Aung Hlaing hiếm khi bày tỏ ý định nhưng cũng tiến hành nhiều hoạt động vận động chính trị.