Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bầu cử tự do chưa đem đến dân chủ ở Myanmar

Với hàng triệu người Myanmar, cuộc bầu cử ngày 8/11 là giấc mơ trở thành hiện thực, đảng đối lập sẽ giành thắng lợi, nhưng đất nước khó có thể chuyển ngay sang thể chế dân chủ.

Một cậu bé mang theo bức tượng bà Aung San Suu Kyi, biểu tượng cho dân chủ ở Myanmar. Bà từng bị giam lỏng tới 15 năm. Bà Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991 nhưng không thể nhận giải vì đang bị quản thúc.
Một cậu bé mang theo bức tượng bà Aung San Suu Kyi, biểu tượng cho dân chủ ở Myanmar. Bà từng bị giam lỏng tới 15 năm. Bà Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991 nhưng không thể nhận giải vì đang bị quản thúc. Ảnh: Reuters

Thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi tuyên bố đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) sẽ giành thế đa số tại Quốc hội và có quyền thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên người dân Myanmar hào hứng, vui mừng với quyền lực của lá phiếu. Tháng 5/1990, NLD chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử, giành 82% ghế Quốc hội bất chấp việc quân đội bắt giam bà Suu Kyi và nhiều lãnh đạo NLD.

Quân đội Myanmar khi đó không chấp nhận kết quả bầu cử và bắt giữ hàng trăm nghị sĩ đắc cử. 25 năm sau, tình hình có nhiều thay đổi, nhưng sẽ rất khó để một chính phủ của NLD thực sự lãnh đạo và điều hành đất nước bởi quân đội có trong tay công cụ đắc lực để duy trì quyền lực gần như tuyệt đối, đó là Hiến pháp năm 2008.

Khi Quốc hội mới hoạt động, các nghị sĩ được dân bầu sẽ phải đối mặt với 116 đồng nghiệp do quân đội lựa chọn. Đó đều là các sĩ quan quân đội. Các nghị sĩ của quân đội được chọn một trong hai phó tổng thống. Và Hiến pháp do quân đội đề ra cản trở bà Suu Kyi trở thành tổng thống. Tư lệnh quân đội Myanmar cũng sẽ có quyền bổ nhiệm bộ trưởng Quốc phòng, Nội vụ, Biên giới… Chính phủ không thể kiểm soát lực lượng cảnh sát, hệ thống tư pháp, các vấn đề an ninh…

Chính phủ của NLD thậm chí không thể dùng ngân sách quốc phòng để hạn chế quyền lực của quân đội. Bởi quân đội lập ngân sách riêng và chính phủ buộc phải xoay sở với số tiền còn lại. Trong trường hợp chính phủ NLD cố thực hiện các chính sách đi ngược lại ý muốn của quân đội, Hội đồng Quốc phòng và An ninh Myanmar (NDSC) sẽ ra tay can thiệp.

Theo quy định của Hiến pháp, NDSC là cơ quan quyền lực cao nhất tại Myanmar, vượt trên chính phủ và quốc hội. NDSC có 11 thành viên, bao gồm 6 người do quân đội chỉ định. Điều đó có nghĩa là quân đội luôn giành thế đa số tại cơ quan này. NDSC có quyền hủy bỏ bất kỳ quyết định nào do chính quyền NLD đưa ra. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ.

Hiến pháp Myanmar còn cho phép quân đội lật đổ chính phủ vì lý do “an ninh quốc gia” và “sự thống nhất quốc gia” hoàn toàn không rõ ràng. Điều đó có nghĩa là quân đội có thể đảo chính bất cứ lúc nào họ muốn.

“Khi lên nắm quyền, NLD sẽ không thể tạo ra những thay đổi như mong muốn của cử tri. Bởi hiến pháp do quân đội lập ra sẽ cản trở NLD” - báo New Yorker dẫn lời chuyên gia Mark Farmaner, giám đốc tổ chức phi chính phủ Burma Campaign UK, nhận định.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ưu tiên hàng đầu của bà Suu Kyi và NLD là cải tổ Hiến pháp. Nhưng đó cũng sẽ là nhiệm vụ bất khả thi. Để thay đổi Hiến pháp, hơn 75% tổng số nghị sĩ Quốc hội cần bỏ phiếu thuận. Nhưng quân đội đã kiểm soát 25% số nghị sĩ. Điều đó có nghĩa là quân đội có quyền phủ quyết bất kỳ đề xuất cải tổ Hiến pháp nào.

Các nhà quan sát quốc tế nhận định, khi quyết định cải tổ chính trị hồi năm 2010, quân đội Myanmar nhận ra rằng thể chế cũ không thể tiếp tục tồn tại một cách bền vững. Các tướng lĩnh quân đội muốn chấm dứt cấm vận và sự cô lập quốc tế cũng như sự phụ thuộc quá nặng nề vào Trung Quốc. Nhưng họ không muốn đánh mất quyền lực.

Họ hiểu rằng đảng Đoàn kết phát triển liên bang (USDP) không thể thắng cử bởi uy tín của NLD và bà Suu Kyi là quá lớn. Việc thực hiện cải tổ, mở cửa đất nước, thả các tù nhân chính trị… đã giúp chính quyền quân sự Myanmar xích lại gần phương Tây, cân bằng quan hệ với Trung Quốc. Và Hiến pháp 2008 giúp quân đội duy trì quyền lực. Do đó, có thể khẳng định rằng cuộc bầu cử tự do ngày 8/11 không hề đem lại dân chủ cho Myanmar.

Dẫu vậy, cuộc bầu cử vẫn là một bước tiến quan trọng trong tiến trình dân chủ ở Myanmar. Có thể trong tương lai, các sử gia sẽ nhìn lại và đánh giá đúng vai trò của sự kiện này.

Myanmar: Bình minh sau những năm dài chờ đợi

Hành khách của những chuyến bay thẳng đầu tiên, vé khuyến mãi của Vietnam Airlines đến Yangon vào tháng 11/2010 có thể nhớ như in sự chậm lụt của đất nước này so với khu vực.

Cuộc đời người phụ nữ nổi tiếng nhất Myanmar

Bà Aung San Suu Kyi - lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) - được ví như "ngọn hải đăng của niềm hy vọng" cho người dân Myanmar.

Nhật Minh

Bạn có thể quan tâm