Bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập. Ảnh: AP |
Hãng thông tấn AP dẫn lời Win Htien, người phát ngôn đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập, cho biết: “Ủy ban bầu cử cố tình trì hoãn việc công bố kết quả kiểm phiếu vì họ có ý đồ nào đó. Dường như họ chỉ công bố từng phần kết quả. Mọi việc đáng lẽ không diễn ra như thế”.
Tuy nhiên, Ủy ban Bầu cử Myanmar không đáp lại cáo buộc của NLD.
Đảng NLD của bà Suu Kyi tuyên bố giành lợi thế áp đảo trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở Myanmar sau 25 năm. Phía NLD khẳng định có đủ ghế trong Quốc hội để đảm bảo bà Suu Kyi có thể thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, theo Hiến pháp Myanmar, bà Suu Kyi không đủ điều kiện để trở thành tổng thống vì chồng và các con mang quốc tịch nước ngoài.
“Tôi nghĩ rằng tất cả mọi người đều biết rõ kết quả của cuộc bầu cử”, bà Suu Kyi nói với các phóng viên.
Đại diện của Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền cũng đã thừa nhận thất bại. USDP được quân đội hậu thuẫn, nắm quyền chèo lái đất nước từ năm 2011 khi chính quyền quân sự rút lui, nhường chỗ cho một chính quyền dân sự.
Thắng lợi trong cuộc đua số ghế trong quốc hội, NLD có thể hiện thực hóa chính sách dân chủ trong luật pháp, kinh tế và quan hệ đối ngoại. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ hay lực lượng biên phòng vẫn nằm dưới quyền của quân đội. Tổng thống không thể can thiệp.
Ngoài ra, 25% số ghế trong quốc hội do quân đội nắm giữ mà không cần thông qua bầu cử. Họ có quyền phủ quyết các nỗ lực thay đổi Hiến pháp năm 2008 do quân đội soạn thảo. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra vẫn là những đổi thay to lớn trên chính trường Myanmar.
Ngay sau khi kết quả bầu cử sơ bộ được thông báo, Mỹ đã chúc mừng Myanmar. Josh Earnest, thư ký báo chí của Nhà Trắng, gọi cuộc tổng tuyển cử là quá trình “bầu cử cạnh tranh và ý nghĩa”. Ông cũng gọi nó là “bước tiến quan trọng trong tiến trình dân chủ của Myanmar”.