Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng thống Thein Sein và phép lạ kinh tế Myanmar

Tổng thống Thein Sein ghi danh lịch sử Myanmar với vai trò là người dẫn đầu tiến trình “cải cách không thể đảo ngược” tại quốc gia Đông Nam Á.

Tổng thống Thein Sein là người mở đường  cho tiến trình cải cách ở Myanmar. Ảnh: Myanmar Times
Tổng thống Thein Sein là người mở đường cho tiến trình cải cách ở Myanmar. Ảnh: Myanmar Times

Ông Thein Sein sinh ngày 20/4/1945 tại ngôi làng nhỏ ở vùng đồng bằng sông Irrawaddy thuộc thị trấn Ngapudaw, trong một gia đình nhà nông. Ông tốt nghiệp Học viện Quân sự Myanmar vào năm 1968. Ở tuổi 70, ông được thăng hàm đại tướng sau 40 năm phục vụ quân đội.

​Thein Sein bắt đầu gia nhập con đường lãnh đạo chính trị từ những năm 1990. Khi đó, ông là thành viên của Hội đồng Hòa bình và Phát triển Quốc gia (SPDC) – cơ quan chính trị của chính quyền quân sự. Ông đảm nhận chức thư ký thứ nhất của SPDC sau khi cựu giám đốc tình báo, tướng Khin Nyunt, bị hạ bệ vào năm 2004.

Tháng 5/2007, khi thủ tướng lúc bấy giờ - ông Soe Win ngã bệnh, Thein Sein được bổ nhiệm thay thế. Ông chính thức đảm nhận chức thủ tướng vào tháng 10. Từ đó, ông trở thành đại diện của chính quyền quân sự Myanmar tham dự các cuộc họp của ASEAN và Liên Hợp Quốc. Thein Sein giữ chức vụ này trong suốt 4 năm.

Nhường đường cho tự do dân chủ

Vào tháng 4/2010, ông Thein Sein cởi bỏ quân phục và khoác áo dân sự để thành lập đảng chính trị. Ông tham gia thành lập đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP). Đảng này sau đó chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử gây tranh cãi tháng 10/2010 và nắm quyền kiểm soát quốc hội.

Theo BBC, giới phân tích lúc đó cho rằng, chiến thắng của ông Thein Sein do lãnh đạo quân phiệt Than Shwe dàn dựng. Ông Than Shwe muốn tìm một gương mặt thích hợp để đối diện trước sự biến chuyển của đất nước.

“Thein Sein sẽ không tạo ra xáo trộn. Ông ấy không phải một con rồng thét ra lửa, vì vậy không tạo ra bất kỳ mối đe dọa nào cho Than Swe, người sẽ tiếp tục nắm quyền hành tuyệt đối”, Aung Zaw, biên tập viên tạp chí Irrawaddy có trụ sở tại Thái Lan, nhận xét.

Tuy nhiên, trên thực tế, kể từ khi nhậm chức tổng thống Myanmar ngày 30/3/2011, Thein Sein bắt tay vào tiến trình đổi mới đất nước theo hướng mở cửa và dân chủ. Điều này khiến những người chỉ trích vô cùng bất ngờ.

Thein Sein thực hiện nhiều cải cách lớn, gồm mở cửa nền kinh tế; thả hàng trăm tù nhân, kể cả tù nhân chính trị; thực thi thỏa thuận hòa bình với các nhóm dân tộc thiểu số và nới lỏng kiểm soát truyền thông.

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 27/9/2012, Tổng thống Thein Sein cam kết thực hiện lộ trình “cải cách bất ngờ và không thể đảo ngược” tại Myanmar. Ông kêu gọi người dân và dư luận thế giới “kiên nhẫn” trong khi chính phủ đang theo đuổi một tiến trình chuyển đổi “phức tạp và nhạy cảm”.

Ông Thein Sein phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 27/9/2012. Ảnh: UN Photo/Jennifer S Altman

Quan hệ giữa Myanmar và quốc gia láng giềng Trung Quốc cũng có nhiều thay đổi. Trung Quốc từng là đối tác chủ chốt của Myanmar trong nhiều thập kỷ bất chấp việc phương Tây cô lập ngoại giao và áp đặt lệnh trừng phạt với quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt sau đảo chính năm 1988.

Tuy nhiên, sau khi bắt đầu tiến trình cải cách, Myanmar xích lại gần Mỹ và châu Âu đồng thời mở cửa với các nước khác trong khu vực, Myanmar giãn khoảng cách với Trung Quốc. Một số cuộc biểu tình đã nổ ra.

Đối diện trước áp lực từ dân chúng, tháng 9/2011, Myanmar dừng dự án thủy điện của Tập đoàn điện lực Trung Quốc tại nước này vì lý do nó sẽ ảnh hưởng tới môi trường. Tháng 7/2014, Myanmar quyết định hủy dự án đường sắt 20 tỷ USD nối bang Rakkhine với thành phố Côn Minh, vốn mở đường cho Trung Quốc tiến ra Ấn Độ Dương. Sau khi dự án bị hủy, báo chí địa phương ca ngợi ông Thein Sein là “vị tổng thống vĩ đại”.

"Sự cương quyết thầm lặng"

Ông Thein Sein gặp gỡ thủ lĩnh phe đối lập Suu Kyi. Ảnh: Reuters
Ông Thein Sein trò chuyện với thủ lĩnh phe đối lập Suu Kyi. Ảnh: Reuters

Ông cũng nhanh chóng gặp gỡ lãnh đạo ủng hộ cải cách dân chủ, bà Aung San Suu Kyi. Cựu tướng quân đội quyết định thả tự do cho thủ lĩnh phe đối lập vào ngày 13/10/2010 sau hơn 20 năm bà bị quản thúc tại gia.

Không chỉ đem lại "làn gió mới" cho đời sống xã hội Myanmar, cải cách dân chủ tạo điều kiện cho giới truyền thông quốc tế hoạt động tại quốc gia này. Các đài truyền hình nước ngoài như NHK của Nhật Bản và Channel News Asia của Singapore đã được phép thành lập cơ quan đại diện tại Myanmar.

Ông Thein Sein cũng giao lưu nhiều hơn với giới truyền thông quốc tế. Ông bắt đầu thúc giục phương Tây gỡ các cấm vận với Myanmar bởi theo ông đây là điều cần thiết cho sự phát triển mạnh mẽ của nền dân chủ và cải thiện cuộc sống của người dân.

“Có một sự cương quyết thầm lặng trong con người ông Thein Sein. Ông ấy ăn nói nhỏ nhẹ nhưng không hề nao núng trước câu hỏi công kích”, Vijay Nambiar, cố vấn hàng đầu của Liên Hợp Quốc về Myanmar, nói với Bloomberg.

Phép lạ kinh tế ở châu Á

Ảnh: amazingindochinatours.com
Một góc Yangon, thành phố lớn thứ 2 của Myanmar. Ảnh: Amazingindochinatours.com

Trong năm 2012, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ hồi đáp nỗ lực tiến tới dân chủ của Myanmar bằng cách giảm các lệnh trừng phạt. Kể từ đó, cải cách kinh tế dẫn đến những thay đổi nhanh chóng và làm chuyển biến tình hình đất nước. Các nhà đầu tư đổ xô tới Myanmar, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương. Kết quả, Myanmar trở thành điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà kinh tế cũng như giới đầu tư.  

Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cùng các lĩnh vực như viễn thông và ngân hàng đã đem lại hiệu quả. Một số nhà bình luận từng dự đoán, từ kết quả của tiến trình cải cách, Myanmar sẽ trở thành “phép lạ kinh tế” tiếp theo ở khu vực châu Á do vì trí địa lý thuận lợi và nguồn lợi dồi dào về dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và sản phẩm nông nghiệp.

Ngày 20/5/2013, ông Thein Sein hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng. Ông trở thành nguyên thủ đầu tiên của Myanmar tới Mỹ trong 46 năm. Việc Nhà Trắng trải thảm đỏ chào đón ông Thein Sein đánh dấu sự thừa nhận của Washington đối với tiến trình cải cách và mở cửa của quốc gia này.

Theo ước tính của The Economist, cải cách kinh tế ở Myanmar thu hút từ 3 tới 5 triệu người từng di cư quay trở về đất nước. Một ví dụ cụ thể là Đặc khu kinh tế Thilawa tạo việc làm cho gần 70.000 công nhân khi nó hoạt động với công suất tối đa. 

Theo Foreign Policy, từ một quốc gia chịu sự cô lập và cấm vận của quốc tế, Myanmar hiện là nước có nền kinh tế phát triển nhanh thứ 13 trên thế giới. Năm 2013, hãng tư vấn quản lý danh tiếng McKinsey dự đoán, quy mô kinh tế của Myanmar sẽ đạt 200 tỷ USD vào năm 2030.

Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015, ông Thein Sein tuyên bố không tham gia vì lý do sức khỏe. 1.134 thành viên của đảng cầm quyền USDP ứng cử cho các vị trí ở cả quốc hội và hội đồng địa phương. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đang giành ưu thế với khoảng 75% số ghế tranh cử - vượt qua mốc hai phần ba trong tổng số 664 ghế của quốc hội để có quyền lập chính phủ, theo BBC.

Cuộc đời người phụ nữ nổi tiếng nhất Myanmar

Bà Aung San Suu Kyi - lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) - được ví như "ngọn hải đăng của niềm hy vọng" cho người dân Myanmar.

Phe đối lập Myanmar đứng trước cơ hội chiến thắng lớn

Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) có khả năng giành chiến thắng lớn khi áp đảo với tỷ lệ hơn 90% theo kết quả được công bố cho tới nay.

 

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm