Các bất ổn chính trị của Mỹ đang khiến quốc gia này ngày càng mất điểm trong mắt các công ty xếp hạng tín dụng. Ảnh: Reuters. |
Theo CNN, Fitch vẫn xếp Mỹ trong diện theo dõi hạ bậc xếp hạng tín dụng, bất chấp việc Quốc hội nước này đã thông qua thỏa thuận nâng trần nợ công vào phút chót.
Trong thông báo đầu tiên sau khi Thượng viện Mỹ thông qua thỏa thuận trần nợ, hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings cho biết công ty vẫn giữ nguyên tình trạng của Mỹ là "theo dõi hạ bậc" (Rating Watch Negative). Quyết định sẽ được đưa ra kể từ nay cho đến cuối tháng 9.
Fitch đánh giá thỏa thuận nâng trần nợ là một thông tin "tích cực". Tuy nhiên, đơn vị này bày tỏ lo ngại về việc Mỹ liên tục rơi vào bế tắc trong cuộc đàm phán trần nợ và sự chia rẽ về đảng phái tại đây ngày càng trầm trọng.
"Chúng tôi tin rằng các bế tắc trong chính trị và việc quyết định nâng trần nợ được đưa ra chỉ ít ngày trước hạn chót đã khiến niềm tin về khả năng quản trị những vấn đề tài khóa và vay nợ của Mỹ bị suy giảm", báo cáo của Fitch cho biết.
Đây cũng là lý do khiến S&P hạ xếp hạng của Mỹ trong năm 2011. Đây là động thái chưa từng có tiền lệ, bất chấp Quốc hội Mỹ khi đó đã thống nhất nâng trần nợ.
Fitch nhận xét "chất lượng quản trị của Mỹ đã xuống cấp dần trong 15 năm qua". Ông Richard Francis, Giám đốc Xếp hạng tín nhiệm Quốc gia tại Fitch, cho biết "chất lượng quản trị tại xứ cờ hoa nhìn chung đã yếu hơn" so với các nước khác có cùng mức xếp hạng. Tuy nhiên, quốc gia này lại có các điểm mạnh khác bù lại.
Fitch là một trong ba hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới. Tuần trước, họ thông báo xếp hạng của Mỹ vẫn ở mức cao nhất là AAA nhờ quy mô nền kinh tế lớn, môi trường kinh doanh năng động và vị thế của đồng USD. Dẫu vậy, công ty cho rằng một số điểm mạnh này có thể bị xuống cấp theo thời gian do những hạn chế trong khả năng quản trị của Mỹ.
Việc bị hạ xếp hạng sẽ làm tăng lãi vay của chính phủ Mỹ. Điều này buộc Washington trả lãi nhiều hơn, giảm chi cho giáo dục, y tế, quốc phòng và các ưu tiên khác.
Đây không phải là lần đầu tiên hãng xếp hạng tín nhiệm gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng rối ren ở Mỹ. Ông James McCormack, Trưởng bộ phận đánh giá tín nhiệm toàn cầu của Fitch, cho biết ngay cả khi Mỹ tránh được tình trạng vỡ nợ, sự bất ổn cũng như các biến động chính trị tại quốc gia này cũng có thể là tiền đề cho việc hạ cấp.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.