Theo các chuyên gia, điều này đã khiến một số quốc gia phải tranh giành các sản phẩm thay thế, làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine.
Trước đó, ngày 5/5, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã ủng hộ dỡ bỏ bảo hộ bằng sáng chế vaccine nhằm tăng tốc độ sản xuất trên toàn thế giới. Nếu được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông qua, động thái này sẽ cho phép các quốc gia khác tự tạo ra vaccine.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ Reuters, việc hủy bảo hộ sáng chế sẽ không giải quyết được vấn đề cấp bách hiện nay: Sự thiếu hụt các thành phần và thiết bị sản xuất vaccine trên toàn thế giới.
Trong khi đó, Mỹ, quốc gia đang nắm giữ một lượng đáng kể các nguyên vật liệu sản xuất vaccine như bộ lọc, ống dẫn hay túi dùng chuyên dụng chưa sẵn sàng để chia sẻ với nhiều nước khác
Hình dán được trao cho những người đã tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Đạo luật "ưu tiên" nước Mỹ
Hành động này bắt nguồn từ việc Mỹ phụ thuộc vào một đạo luật có từ thời Chiến tranh Triều Tiên những năm 1950, được gọi là Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (DPA), cho phép các cơ quan liên bang ưu tiên đơn đặt hàng mua sắm liên quan đến quốc phòng.
Trong nhiều thập kỷ, luật này đã được sử dụng để cung cấp cho quân đội cũng như ứng phó với mọi thứ, từ thiên tai đến những cản trở trong cuộc điều tra dân số hai năm một lần.
Chính phủ của cựu Tổng thống Donald Trump sau đó đã viện dẫn đạo luật này để đặt chính phủ Mỹ lên hàng đầu trong danh sách mua vaccine cũng như các sản phẩm khác do Mỹ sản xuất nhằm chống dịch bệnh.
Khi nói về đạo luật DPA, Gavi - liên minh vaccine bao gồm các tổ chức quốc tế, chính phủ, công ty dược phẩm và nhiều tổ chức khác - bình luận: “Thách thức lớn nhất trong mục tiêu của COVAX để đạt được sự tiếp cận công bằng với vaccine là nguồn cung toàn cầu bị hạn chế".
"Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với nguyên liệu thô là nguyên nhân đáng kể dẫn đến hiện tượng này và cuối cùng chỉ để lại hệ lụy kéo dài đại dịch”, tổ chức này nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết không có lệnh cấm xuất khẩu và tất cả các nhà cung cấp có trụ sở tại Mỹ đã vận chuyển sản phẩm ra nước ngoài sau khi ưu tiên cho các nhà sản xuất tại nước.
Quan chức này cho biết DPA không gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu vaccine trên toàn cầu, và các vấn đề xuất phát từ nhu cầu quá lớn.
Lời khiếu nại từ Ấn Độ
Ngay cả khi có quyền được tiếp cận sáng chế vaccine, các quốc gia bị tàn phá nặng nề bởi Covid-19 như Ấn Độ cũng không thể sản xuất vaccine nếu thiếu nguồn nguyên vật liệu thô.
Các ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ không ngừng gia tăng thời gian gần đây. Ảnh: Reuters. |
Với đạo luật DPA, các nhà máy đã giúp Mỹ xây dựng một hệ thống sản xuất vaccine khổng lồ. Khoảng 45% dân số Mỹ đã nhận được ít nhất một liều vaccine Covid-19.
Trong khi đó, theo dữ liệu thu thập tại Đại học Oxford, Anh, hàng chục quốc gia khác, từ Nam Phi, Guatemala, đến Thái Lan, chỉ mới tiêm chủng cho khoảng 1% hoặc ít hơn so với dân số của họ.
Đạo luật DPA của Mỹ đã bị nhiều nhà sản xuất vaccine trên khắp thế giới chỉ trích, bao gồm cả Viện Huyết thanh Ấn Độ, nhà sản xuất lớn nhất trên toàn cầu.
Trên Twitter vào cuối tháng 4, Giám đốc điều hành Adar Poonawalla “thay mặt cho ngành công nghiệp vaccine bên ngoài Mỹ” đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ việc nắm giữ nguyên liệu thô “nếu thực sự muốn đoàn kết để đánh bại loại virus này”.
Bắt đầu từ tháng 5, công ty đã lên kế hoạch sản xuất hàng tỷ liều vaccine hàng năm do công ty Novavax có trụ sở tại Mỹ phát triển. Tuy nhiên, số lượng có thể sẽ giảm hơn một nửa nếu không có nguyên liệu thô từ Mỹ.
Viện sản xuất vaccine Biovac của Nam Phi cũng dựa vào một công ty Mỹ để sản xuất túi phản ứng sinh học, vật liệu cần thiết cho việc nuôi cấy tế bào.
Giám đốc điều hành Morena Makhoana cho biết Biovac đã được cảnh báo bởi nhà cung cấp của Mỹ rằng thời gian giao sản phẩm có thể gấp đôi thời gian thông thường đến 14 tháng vì đạo luật DPA.
“Nhu cầu bất ngờ"
Một số nhà cung cấp cho biết ngành vaccine có thể làm tốt hơn các chính phủ trong việc quản lý nguồn lực hạn chế để tối đa hóa khả năng tiếp cận trên toàn cầu.
“Nếu mục tiêu cuối cùng là sản xuất vaccine, thì chúng tôi tin rằng (chính phủ) cần để ngành công nghiệp tự kết nối với các bên liên quan để có thể cung cấp sản phẩm cuối cùng", Phó chủ tịch Thermo Fisher, ông Michel Lagarde, nói.
Quan chức chính quyền ông Biden cho hay nhiều chuyên gia từ các cơ quan liên bang khác nhau đã thảo luận về hệ thống ưu tiên của Mỹ. Đôi khi các quan chức có thể thay đổi ngày giao hàng cho nước này để tránh làm gián đoạn các dự án vaccine ở những nước khác.
Tuy nhiên, điều này là chưa đủ khi các nhà cung cấp vaccine trên thế giới đang có kế hoạch đón đầu nhu cầu.
Theo đó, các hãng Cytiva, Pall và Thermo Fisher đang mở rộng không gian sản xuất ở Mỹ và nước ngoài.
Vaccine ngừa Covid-19 của Johnson & Johnson. Ảnh: AP. |
Thermo Fisher đã thúc giục khách hàng làm rõ nhu cầu nào là khẩn cấp và nhu cầu nào có thể đợi được. Dẫu vậy, ông Lagarde cho biết công ty vẫn cố gắng để hoàn thành các đơn đặt hàng ngay cả khi chúng không được đánh giá là ưu tiên.
Cytiva cũng tuyên bố họ đang mở rộng sản xuất, nhưng quá trình này sẽ bị hạn chế bởi tình trạng thiếu nguyên liệu thô.
“Thế giới đang trải qua nhu cầu chưa từng có về các sản phẩm, công nghệ và giải pháp dược phẩm sinh học", công ty Cytiva nhận định.