Nhiều người Việt tích cực tham gia chiến dịch tiêm chủng triển khai trên toàn nước Mỹ. Dù cảm thấy an toàn hơn, đa số vẫn không mất cảnh giác trong phòng chống dịch Covid-19.
Tại nhiều nơi trên thế giới, chính phủ đều tích cực khuyến khích người dân tiêm phòng vaccine Covid-19. Theo Bloomberg, tính đến ngày 7/5, hơn 1,23 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên 174 quốc gia với 19,4 triệu mũi tiêm mỗi ngày.
Tiêm phòng vaccine Covid-19 cho người dân cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông đã đặt ra mục tiêu tiêm chủng cho 70% người trưởng thành tại nước này trước ngày 4/7.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiêm cả hai mũi vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng, nhiều người Việt Nam tại xứ sở cờ hoa đã tích cực đi tiêm vaccine từ sớm.
“Mọi người tôi biết đều tiêm vaccine Covid-19 hết cả rồi. Phần lớn người Việt đã tiêm xong 2 mũi, chỉ còn một số ít mới tiêm mũi đầu và đang chờ mũi thứ 2. Nhiều người châu Á khác ở Mỹ cũng tích cực tiêm phòng”, ông Nguyễn Hai, cựu doanh nhân ở bang California, Mỹ chia sẻ với Zing.
Theo dữ liệu do thành phố New York công bố, người Mỹ gốc Á là nhóm được tiêm chủng nhiều nhất tại đây. 68% dân số châu Á trưởng thành của thành phố (tức hơn 680.000 người) đã được tiêm ít nhất một liều. Nhóm đứng thứ 2 là người da trắng với 49%.
Đa dạng cách thức đăng ký tiêm chủng
Vài tháng trước, những người muốn được tiêm vaccine tại Mỹ sẽ cần phải đăng ký sớm, đồng thời chứng minh bản thân nằm trong diện ưu tiên, dễ có nguy cơ lây nhiễm virus, ví dụ như y tá, bác sĩ, người cao tuổi hoặc có bệnh nền.
Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều bang trên nước Mỹ, chính quyền đã cho phép người dân đăng ký tiêm vaccine mà không cần điều kiện đặc biệt.
Cách thức đăng ký tiêm nhanh chóng, đơn giản tạo thuận tiện cho những người muốn tiêm chủng.
“Mình đã tiêm 2 mũi ngày 16/3 và 13/4, tại nhà thuốc Walgreens ở gần nơi mình cư trú”, chị Hà Nguyễn hiện học tập và sinh sống tại thành phố Illinois, bang Chicago nói với Zing.
Thẻ chứng nhận đã được tiêm vaccine. Ảnh: NVCC. |
“Thật sự khi đó mình khá may mắn, mình đã lên website của Walgreens và lấy được lịch hẹn cho cả 2 mũi tiêm dù thời điểm đó vaccine còn đang rất hạn chế”.
Tương tự chị Hà, anh Phạm Quang Nam đang sinh sống tại thành phố Atlanta cũng chia sẻ từ cuối tháng 3, bang Georgia đã triển khai chiến dịch tiêm chủng cho đa số người dân. “Mình đã vào website của siêu thị Kroger và chọn một ngày thích hợp còn trống để tiêm. Lúc đăng ký họ tự xếp cho mình thời gian cố định 2 lần tiêm luôn”, anh Nam cho hay.
Tại bang Texas, người dân có thể lựa chọn loại vaccine mà mình muốn sử dụng.
Theo chia sẻ của chị Thư (22 tuổi) đang sinh sống tại bang này, cả gia đình chị lựa chọn vaccine Pfizer vì người quen đã sử dụng và không có tác dụng phụ.
“Gia đình mình thì mẹ đã được tiêm vaccine 2 mũi, còn 2 bố con mình đã tiêm mũi đầu và sẽ tiêm mũi thứ 2 trong tuần này. Mình đăng ký qua trang web của trường y UT Southwestern. Mình được phép chọn địa điểm tiêm và loại vaccine”, chị Thư cho hay.
Thậm chí, theo chị Linh Vũ (26 tuổi), cũng đang sống tại bang Texas, người muốn tiêm phòng không cần phải đăng ký trước mà có thể đến thẳng điểm tiêm chủng. “Nếu nhân viên kiểm tra thấy còn chỗ trống thì mình sẽ được phép tiêm ngay lúc đó”, chị Linh nói với Zing.
Giới chức các bang sẽ thường tổ chức tiêm chủng tại những khu vực có không gian mở như trung tâm mua sắm, nhà thuốc hay quảng trường. Trong quá trình tiêm, quy định giãn cách xã hội, mang khẩu trang vẫn được các nhân viên nhắc nhở tuân thủ thường xuyên.
“Mình phải đến trước 30 phút, điền thông tin cá nhân, mang theo giấy tờ chứng minh là mình sống trong tiểu bang cùng bảo hiểm”, chị Hà kể lại về quy trình đăng ký tiêm.
Các bác sĩ sẽ hướng dẫn tận tình về quá trình và dặn dò những điều cần lưu ý sau khi được chích ngừa. Sau khi được tiêm, người dân sẽ được yêu cầu ngồi đợi 15 phút để theo dõi nếu cơ thể có phản ứng với thuốc.
Khu vực ngồi chờ sau tiêm tại trường cấp 3, thành phố Bayonne, New Jersey. Ảnh: NVCC. |
Đa số những người đã tiêm xong sẽ gặp phải tác dụng phụ của thuốc. Mọi người đều hiểu đây là triệu chứng thường gặp. “Câu chuyện mà bạn bè Việt xung quanh mình nói nhiều nhất sau khi tiêm chắc là việc họ bị ốm thế nào", anh Nam kể.
“Mình phải đặt niềm tin vì xã hội và cộng đồng”
Dẫu vậy, nhiều người tại Mỹ vẫn còn e ngại vì những phản ứng phụ sau khi tiêm vaccine, trong khi một số khác lại tỏ ra thờ ơ trước lời kêu gọi của chính phủ. Nhiều người thì chờ đợi xem liệu vaccine có thực sự tạo hiệu quả.
Cô Như Nguyễn (46 tuổi), từng là nhà sinh học và có kinh nghiệm 10 năm trong ngành sản xuất vaccine, sống tại bang New Jersey, cho biết Mỹ hiện có những nhóm người lan truyền thông tin thiếu kiểm chứng.
Họ khiến nhiều người tin rằng các nhà khoa học sẽ truyền gene điều khiển người dân qua vaccine. Điều này gây không ít khó khăn cho chính phủ khi vận động mọi người đi tiêm phòng, nhất là tại khu vực xa xôi thiếu thông tin và dễ bị tác động bởi các thông tin sai sự thật.
“Vaccine này là thế hệ đầu tiên, không sản xuất theo truyền thống nên dù là người trong ngành tôi vẫn có chút lo lắng”, cô Như cho biết. Tuy nhiên, theo cô, tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả để đạt được miễn dịch cộng đồng và giúp cuộc sống quay trở về như trước.
Khu vực đăng ký tiêm tại trường cấp 3, thành phố Bayonne, New Jersey. Ảnh: NVCC. |
Trên thực tế, những người trao đổi với Zing đều cảm thấy tầm quan trọng của việc tiêm vaccine. “Gia đình mình tự đi tiêm vaccine vì mình mong dịch nhanh chóng được kiểm soát và gia đình được an toàn”, chị Thư chia sẻ.
Nhiều người Việt Nam tại Mỹ cũng coi đây là cơ hội tốt để được tiếp cận vaccine sớm, giúp họ cảm thấy an toàn hơn khi ra ngoài và tiếp xúc mọi người.
Anh Nam chia sẻ rằng mình đã phải làm việc và học tập trực tuyến trong suốt một năm tại Mỹ, vì vậy anh hy vọng rất nhiều khi được tiêm vaccine.
“Sau khi tiêm, mình nghĩ là đi đâu cũng cảm thấy thoải mái hơn. Người Mỹ thì ra đường từ rất lâu rồi nên về thói quen thì cũng không khác mấy, chỉ là cảm thấy tự tin hơn khi ra đường. Hơn nữa có vaccine xong thì công ty, trường học cũng mở cửa lại”, anh chia sẻ.
“Không nên nghĩ mình tiêm xong rồi là đủ"
Tính đến ngày 5/5, số ca Covid-19 mới tại Mỹ giảm trong ba tuần liên tiếp với hơn 42.000 ca, thấp nhất kể từ tháng 10/2020. Trường hợp nhiễm mới ở Michigan, nơi từng là điểm nóng dịch bệnh, giảm 26% so với tuần trước. Theo các chuyên gia, dịch bệnh ở Mỹ hạ nhiệt chủ yếu nhờ chiến dịch tiêm vaccine.
Đa số người Việt được hỏi sau khi tiêm vẫn hết sức cảnh giác trước mối nguy hiểm tiềm tàng từ dịch bệnh. Ông Hai ở California cho biết Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) có hướng dẫn người dân tiêm đủ 2 mũi sau 2 tuần là có thể gặp nhau mà không cần mang khẩu trang trong giới hạn số người cho phép.
Tuy nhiên, dù nhiều hoạt động đã ổn định nhưng chưa thể nói là cuộc sống đã trở lại bình thường. “Tôi vẫn mang khẩu trang vì không biết có ai đã được tiêm, ai chưa được tiêm. Ra đường khi thấy người lạ tôi lại kéo khẩu trang lên và né tránh", ông nói.
Cũng theo ông Hai, tại các sân bay, số lượng hành khách di chuyển vẫn đông đúc, hầu như các chuyến bay đều chật kín khách. Việc tụ tập ăn uống tại nhiều hàng quán cũng là một mối lo ngại khác.
Người Việt được tiêm vaccine tại bang Texas, Mỹ. Ảnh: NVCC. |
“Trong các cửa tiệm tạp hóa, siêu thị, đa số vẫn đeo khẩu trang. Tại quán ăn, mọi người vẫn ngồi gần nhau. Tất nhiên lúc ăn, mọi người sẽ không đeo khẩu trang rồi", ông Hai chia sẻ.
Mặc dù chiến dịch tiêm chủng đã được triển khai trên quy mô toàn nước Mỹ, việc một số người còn chần chừ trong tiêm vaccine cũng như nới lỏng các biện pháp chống dịch quá sớm có thể khiến cho quốc gia này phải đối mặt với nhiều hệ lụy.
Theo New York Times, tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế trưởng của Nhà Trắng, cho biết sẽ cần tới 70-85% dân số Mỹ tiêm vaccine mới tạo được kháng thể cộng đồng.
“Không nên nghĩ là mình tiêm xong rồi là đủ. Giờ mình buông thả là bung bét hết ra. Đại dịch ảnh hưởng đến tính mạng nên làm gì chúng ta cũng cần phải thận trọng", cô Như chia sẻ.
“Mình phải nghĩ xa hơn, nghĩ đến xã hội và nghĩ đến tương lai chứ không thể vì thỏa mãn điều nhỏ nhặt mà khiến mọi thứ rối tung trở lại".