Hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy |
- Hải quân Mỹ mới đây đưa tàu sân bay USS John C. Stennis, hai tàu khu trục, hai tàu tuần dương và soái hạm của Hạm đội 7 Blue Ridge tới làm nhiệm vụ ở Biển Đông. Theo ông, động thái này của Mỹ có ý nghĩa như thế nào?
- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về những căng thẳng từ các hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Ông Carter cũng tuyên bố sẽ điều nhóm chiến đấu do hàng không mẫu hạm dẫn đầu tới vùng biển này, nơi Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không. Sự hiện diện của USS John C. Stennis và các chiến hạm khác hiện thực hóa tuyên bố của ông Carter.
Ngoài ra, các chiến hạm còn là thông điệp mạnh mẽ mà Mỹ muốn gửi tới Trung Quốc. Người Mỹ muốn khẳng định, bất chấp các hoạt động xây dựng và quân sự hóa trái phép của Trung Quốc ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc vẫn dễ bị tổn thương trước sức mạnh vượt trội của Hải quân Mỹ. Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc đang thăm dò và nắn gân nhau ở Biển Đông.
- Sự hiện diện của USS John C. Stennis và nhóm chiến đấu có khiến Trung Quốc làm càn, gây nguy cơ đụng độ?
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông. Ảnh: Getty |
- Không biện pháp quân sự ngắn hạn hay trừng phạt nào có thể làm Trung Quốc ngừng hiện thực hóa tham vọng chủ quyền trên Biển Đông. Trung Quốc đang đẩy nhanh các hoạt động trên thực địa nhằm tạo ra tình trạng “việc đã rồi” trước phiên xử của Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc về yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ gặp phiền phức trong việc tìm cách đối phó với Philippines khi quốc gia này quyết định thực hiện các cuộc tuần tra hàng hải và hàng không xung quanh các thực thể Bắc Kinh chiếm đóng bất hợp pháp trên Biển Đông. Manila là một trong những đồng minh của Mỹ trong khu vực, nơi Lầu Năm Góc đặt nhiều căn cứ quân sự.
- Trung Quốc đã triển khai tên lửa phòng không HQ-9, tiêm kích phản lực chiến đấu J-11, tàu ngầm cũng như tăng cường xây dựng các trạm radar giám sát ở Biển Đông. Sự hiện diện của USS John C. Stennis có thể gây ra đụng độ giữa 2 nước?
- Trong hoàn cảnh hiện tại, khi cả Mỹ và Trung Quốc liên tiếp đưa ra những động thái kiểu ăn miếng trả miếng với mức độ ngày càng leo thang, nguy cơ đụng độ từ những tính toán sai lầm hoặc sự cố hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng trở thành hiện thực khi bên này không thực sự hiểu đúng thông điệp mà bên kia đưa ra trên thực địa.
Có những ví dụ cụ thể cho việc hiểu lầm, chẳng hạn như việc Trung Quốc coi hoạt động đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ là bước đầu tiên của một vụ tấn công. Bắc Kinh sẽ đưa ra những phản ứng mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như đưa tàu áp sát và xua đuổi. Trong quá trình thực hiện, các tàu có thể va chạm với nhau khi cả hai bên cùng gia tăng mức độ của các hoạt động.
Trong khi đó, Trung Quốc đang mắc kẹt với những tuyên bố cứng rắn và hùng hồn của mình. Về phần mình, Mỹ tiếp tục khẳng định bảo vệ quyền và lợi ích của mình ở Biển Đông. Trước động thái của hai bên, căng thẳng trên Biển Đông sẽ tiếp tục gia tăng.
- Tình hình Biển Đông sẽ diễn biến như thế nào sau những động thái gần đây của các bên?
Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Bắc Kinh cũng tăng cường các hoạt động tuyên truyền, cáo buộc Mỹ gây ra mọi vấn đề trên tuyến hàng hải huyết mạch này.
Trong thời gian tới, Tòa Trọng tài cũng sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines. Nếu Bắc Kinh thua, phán quyết của tòa sẽ trở thành cơ sở pháp lý cho Mỹ và các đồng minh hành động. Nó cũng đồng nghĩa với việc các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế.