"Dựa trên việc phân tích biện pháp trừng phạt mới, cũng như các quyết định trước đây của châu Âu và Washington, chúng ta có thể kết luận rằng họ đã 'hết bài', cạn công cụ để có thể kìm hãm sự phát triển của Nga", TASS dẫn lời ông Vyacheslav Volodin.
Ông Volodin cho biết "khi áp dụng biện pháp trừng phạt mới, các chính trị gia phương Tây buộc phải lựa chọn giữa một kịch bản tồi tệ hoặc rất tồi tệ cho chính nền kinh tế và công dân của nước họ".
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Vyacheslav Volodin. Ảnh: TASS. |
Ông nói thêm rằng thiệt hại ước tính của Nga từ lệnh cấm xuất khẩu dầu sang châu Âu có thể lên tới 22 tỷ USD mỗi năm.
“Nhưng do giá năng lượng tăng - được thúc đẩy bởi các lệnh trừng phạt - và Nga chuyển hướng bán dầu sang các thị trường châu Á, tổn thất này có thể được bù đắp hoàn toàn”, ông lưu ý.
Trong khi đó, ông Volodin cho biết do giá năng lượng tăng cao kỷ lục, châu Âu "sẽ phải trả thêm hơn 250 tỷ euro (tương đương với hơn 267 tỷ USD) hàng năm", chưa bao gồm những chi phí khác để hỗ trợ chuyển đổi các nhà máy lọc dầu.
"Washington đang làm mọi thứ để đảm bảo rằng gánh nặng chính của việc thực thi lệnh trừng phạt đổ lên vai các nước châu Âu", chủ tịch Duma nói. "(Những biện pháp này) cố tình làm suy yếu nền kinh tế của các quốc gia EU để khiến họ phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ".
Trước đó, tại hội nghị diễn ra vào ngày 30/5, các nước EU đã thống nhất thông qua gói trừng phạt thứ 6 đối với Moscow, cắt giảm 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ nước này nhằm “gây sức ép tối đa” để chấm dứt chiến sự.
Lệnh cấm vận được nhất trí chỉ bao gồm cấm dầu của Nga vận chuyển bằng đường biển, cho phép loại trừ trừng phạt lên hàng vận chuyển bằng ống dẫn, theo AP.