Cháy rừng liên tục bùng phát tại Tây Ban Nha và láng giềng Bồ Đào Nha trong bối cảnh hai quốc gia bán đảo Iberia ghi nhận nhiệt độ vượt mức 40 độ C và sẽ tăng lên trong vài ngày tới.
“Chúng tôi dự đoán mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn”, người phát ngôn Tổ chức Khí tượng Thế giới Clare Nullis nói hôm 12/7. “Đi kèm với cái nóng là hạn hán. Rất nhiều nơi đất đai đã khô cằn”.
Nắng nóng cũng ảnh hưởng đến các sông băng ở dãy Alps. Tuần trước, lở tuyết trên ngọn núi ở Italy thuộc dãy Alps đã giết chết 11 người. "Đây là một mùa rất tệ với các sông băng, và chúng ta chỉ mới bắt đầu mùa hè", bà Nullis nói.
Các nhà khoa học cho biết nắng nóng xuất hiện thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu, và sẽ nghiêm trọng hơn khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên.
Trong khi đó, miền Tây Nam và miền Trung nước Mỹ cũng sẽ hứng chịu nắng nóng gay gắt trong tuần này. Nhiều thành phố tại Mỹ đã ghi nhận mức nhiệt kỷ lục từ tháng trước.
Nhiệt độ tăng đột biến
Thành phố Waco của bang Texas (Mỹ) ghi nhận nhiệt độ 42,2 độ C trong ngày. Waco chỉ là một trong nhiều thành phố ghi nhận nhiệt độ kỷ lục vào cuối tuần, cùng nhiều nơi khác ở bang Texas, Colorado, Oklahoma và Arkansas.
Một “vòm nhiệt” được cho là nguyên nhân nhiệt độ gia tăng đột biến. Đây là hiện tượng khi bầu khí quyển giữ lại không khí nóng từ đại dương, với áp suất cao lưu thông trong khí quyển hoạt động giống một mái vòm, làm gia tăng nhiệt độ ở một bề mặt.
Người dân Texas được khuyến khích tiết kiệm năng lượng khi hệ thống lưới điện gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Nhiệt độ tại Texas được dự báo sẽ giảm vào cuối tuần, trong khi thành phố Phoenix ở bang Arizona có thể tăng lên 45 độ C vào ngày 15/7.
Tây Ban Nha hứng chịu đợt nắng nóng thứ hai trong mùa hè, với nhiệt độ các vùng phía nam được dự báo vượt mức 44 độ C tuần này.
Nhiệt độ tại thành phố Ourense, Tây Ban Nha có thời điểm đạt mức 47 độ C vào hôm 12/7. Ảnh: Reuters. |
Rubén del Campo, người phát ngôn cơ quan khí tượng quốc gia Tây Ban Nha (Aemet), cho biết nắng nóng sẽ đạt đỉnh điểm vào giai đoạn 12-14/7, và có thể kéo dài đến cuối tuần.
“Đây sẽ là một đợt nắng nóng gay gắt và nhiệt độ vào những ngày nóng nhất có thể vượt quá 44 độ C ở các thành phố như Cordoba hay Badajoz”, ông Del Campo nói, cho biết đêm nhiệt độ vào ban đêm vẫn có thể ở mức cao (32-34 độ C).
Tại nước láng giềng Bồ Đào Nha, nhiệt độ từng lên đến 44 độ C vào tuần trước. Các nhân viên cứu hỏa phải chật vật để dập ngọn lửa đã thiêu rụi khoảng 2.000 ha đất ở tỉnh Ourem từ hôm 7/7. Ngọn lửa đã được kiểm soát hôm 11/7 nhưng lại bùng lên vào hôm sau.
Chính phủ Bồ Đào Nha đã ban bố tình trạng báo động về cháy rừng trên cả nước, ít nhất là đến ngày 15/7, đồng thời nâng cao mức độ sẵn sàng của lực lượng cứu hỏa, cảnh sát và các dịch vụ y tế khẩn cấp. Trước tình hình nắng nóng gay gắt, Thủ tướng Antonio Costa kêu gọi “cảnh giác tối đa”.
Đe dọa đến sức khỏe
Bộ Y tế Tây Ban Nha cảnh báo nắng nóng gay gắt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người và nguy cơ gây ra các vấn đề như đột quỵ. Bộ này khuyến cáo người dân uống nước thường xuyên, mặc đồ mỏng, ở trong bóng râm và phòng điều hòa “càng lâu càng tốt”.
“Nó như địa ngục”, Dania Arteaga, nhân viên quét dọn tại một cửa hàng ở Madrid, nói với AFP khi vầng trán cô ướt đẫm mồ hôi.
Một phóng viên quan sát cháy rừng tại tỉnh Ourem, Bồ Đào Nha ngày 12/7. Ảnh: Reuters. |
Tình trạng hiện tại đang gợi dậy ký ức buồn về trận cháy rừng năm 2017 đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 người ở Bồ Đào Nha. Các quan chức địa phương ở thị trấn Sintra gần thủ đô Lisbon đã đóng cửa một loạt địa điểm du lịch như cung điện và các di tích để cảnh giác trước cái nóng.
Trong khi đó, tại Pháp, Thủ tướng Elizabeth Borne thúc giục các bộ trưởng chuẩn bị đối phó với hậu quả do các đợt nắng nóng, dự kiến có thể kéo dài 10 ngày.
“Nắng nóng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhanh, đặc biệt ở những người dễ tổn thương nhất”, theo tuyên bố từ văn phòng bà Borne.
Nhiệt độ tại Anh được dự báo có thể lên đến 35 độ ở khu vực miền Đông Nam trong những ngày tới. Nước này đã nâng mức cảnh báo nắng nóng, được phân loại với tên “hổ phách” - mức cảnh báo cao thứ hai, nói rằng sẽ có “tác động lớn” đến sinh hoạt của con người.