Những năm Chiến tranh Việt Nam, Không quân Mỹ đã thử nghiệm loại vũ khí động năng được gọi là “Lazy Dog”. Chúng là những thanh thép cứng dài khoảng 44 mm, đường kính 13 mm và nặng khoảng 20 g. Lazy Dog được thiết kế để thả từ máy bay ném bom. Chúng không chứa thuốc nổ mà sử dụng động năng do gia tốc trọng trường tạo ra để phá hủy mục tiêu.
Vũ khí này có thể giết người, xuyên qua các lớp phủ mềm và giáp nhẹ. Lazy Dog có thể đạt vận tốc hơn 800 km/h và xuyên qua lớp bê tông dày 22 cm khi được ném từ độ cao 914 m. Ưu điểm của nó là chi phí thấp và có thể ném xuống với số lượng rất lớn mỗi lần, tạo nên hiệu ứng hủy diệt ghê gớm.
Tử thần từ không gian
Từ ý tưởng đó, những năm Chiến tranh Lạnh, Không quân Mỹ đã phát triển dự án đầy tham vọng mang tên “Project Thor”, Business Insider cho biết. Ý tưởng của các nhà khoa học là sử dụng những thanh vonfram có chiều dài khoảng 6 m, đường kính 0,34 m, đưa chúng lên vệ tinh và phóng vào quỹ đạo. Chúng sẽ quay quanh quỹ đạo Trái Đất như những vệ tinh thông thường.
Lazy Dog, loại vũ khí không thuốc nổ mà Mỹ từng sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Wikipedia. |
Khi có lệnh chiến đấu, vệ tinh sẽ phóng những thanh vonfram về trái đất. Chúng có thể đạt tốc độ gấp 10 lần vận tốc âm thanh ( khoảng 12.348 km/h). Ở tốc độ này, thanh vonfram với độ cứng của nó có thể xuyên qua hàng trăm mét đất đá, bê tông cốt thép để phá hủy bất kỳ mục tiêu ngầm nào.
Các nhà khoa học ước tính, động năng từ vụ va chạm của thanh vonfram ở tốc độ 12.348 km/h tương đương với vụ nổ của 11,5 tấn TNT. Vũ khí như vậy có thể phá hủy mọi mục tiêu trong vòng 15 phút từ khi nhận lệnh, ít hơn một nữa thời gian so với tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Với sức hủy diệt ghê gớm như vậy, Project Thor được ví von là “cây gậy của Chúa”. Vũ khí này hầu như không thể phòng thủ vì tốc độ tấn công rất cao, mặt cắt radar rất nhỏ và khi phóng gần như không thể phát hiện.
230 triệu USD mỗi thanh
Vũ khí như Project Thor sẽ không bị ràng buộc bởi Hiệp ước không gian bên ngoài được 107 quốc gia ký kết vào năm 1967. Hiệp ước cấm triển khai vũ khí hạt nhân, sinh hóa học trong không gian. Tuy nhiên, những rào cản công nghệ và chi phí những năm Chiến tranh Lạnh khiến dự án khó trở thành hiện thực.
Một nhà khoa học công nghiệp hàng không vũ trụ quân sự ước tính, chi phí không dưới 10.000 USD/0,45 kg để phóng bất kỳ thứ gì vào vũ trụ. Mỗi thanh vonfram nguyên khối dài 6 m có trọng lượng khoảng 10 tấn. Như vậy chi phí mỗi thanh có thể lên đến 230 triệu USD.
Vũ khí phóng từ không gian hầu như không thể đánh chặn. Đồ họa: Ptisidiastima . |
Bên cạnh đó, vũ khí tấn công từ không gian cũng gặp những khó khăn trong việc xác định mục tiêu. Project Thor bị xóa sổ vì thiếu tính thực tiễn và chi phí quá cao. Mỗi tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III có chi phí khoảng 7 triệu USD khi nó được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1962, trong khi nó có thể hoàn thành nhiệm vụ của Project Thor.
Sau sự kiện 11/9, chính quyền Tổng thống George W. Bush thậm chí đã xem xét hồi sinh Project Thor để tấn công các cơ sở hạt nhân dưới lòng đất của những quốc gia mà Mỹ liệt kê vào danh sách tài trợ khủng bố. Project Thor đã được đề cập trong báo cáo về vũ khí tiềm năng của Không quân Mỹ vào năm 2003. Tuy vậy, vấn đề chi phí tiếp tục là rào cản để dự án được triển khai.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các quốc gia như Nga, Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển vũ khí siêu thanh. Project Thor có thể là một ý tưởng thú vị để Mỹ cho ra đời loại vũ khí siêu thanh tấn công từ không gian và nó có thể là tương lai của chiến tranh toàn cầu.