Hải quân Mỹ đã thực hiện tuần tra gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép trên Biển Đông với số lượng kỷ lục vào năm 2019. Các số liệu mới được công bố cho thấy điều này, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tăng cường nỗ lực thách thức yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, South China Morning Post cho biết.
Theo các dữ liệu của Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ đã tiến hành 9 đợt hoạt động tự do hàng hải trong năm 2019, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi lấp các rạn san hô thành đảo nhân tạo từ năm 2014.
Cụ thể, Hải quân Mỹ đã thực hiện 5 hoạt động tự do hàng hải trong năm 2018, 6 trong năm 2017, năm đầu tiên Tổng thống Trump điều hành đất nước. 3 lần trong năm 2016, 2 lần trong năm 2015 và không có lần nào trong năm 2014.
Tàu chiến ven biển USS Montgomery (LCS-8) trong một nhiệm vụ trên Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Dữ liệu mới được công bố bởi văn phòng Hạm đội Thái Bình Dương, sau khi South China Morning Post yêu cầu tự do thông tin. Đây là xác nhận chính thức đầu tiên về mức độ thực hiện tự do hàng hải của Washington ở Biển Đông trong 5 năm qua.
“Mỹ xem quyền tự do hàng hải như một nguyên tắc. Các nhiệm vụ tự do hàng hải trong chương trình được tiến hành một cách hòa bình, không thiên vị hoặc chống lại bất kỳ quốc gia cụ thể nào”, Rachel McMarr, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương nói.
“Các nhiệm vụ này dựa trên pháp luật và thể hiện cam kết của chúng tôi nhằm duy trì các quyền, bao gồm quyền tự do và sử dụng hợp pháp trên biển và trên không và bảo đảm cho tất cả quốc gia”, người phát ngôn McMarr nói.
Trung Quốc yêu sách lãnh thổ phi lý chiếm gần 90% Biển Đông. Bắc Kinh đã bồi lấp trái phép 7 thực thể trên vùng biển chiến lược này, biến chúng thành đảo nhân tạo và quân sự hóa thành tiền đồn trên biển.
“Rõ ràng, dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, chúng ta thấy một động lực cụ thể hơn đối với các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông, với sự gia tăng tần suất kể từ năm 2015 và sau khi Tổng thống Trump nhậm chức”, Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận định.