SCMP hôm 23/1 cho biết Hải quân Mỹ đã công bố đoạn video về vụ đối đầu giữa tàu chiến nước này với tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông năm 2018, cho thấy phía Trung Quốc đã chủ động chuẩn bị cho một vụ va chạm với tàu chiến Mỹ.
Đoạn băng ghi hình vụ việc cho thấy binh sĩ Trung Quốc trên tàu khu trục Lanzhou đã chủ động chuẩn bị phao được thiết kế nhằm hấp thụ tác động của vụ va chạm và bảo vệ mạn tàu, khi con tàu này di chuyển gần tàu khu trục USS Decatur của Mỹ.
Tàu chiến Mỹ và Trung Quốc suýt va chạm tháng 10/2018. Ảnh: AP. |
Keith Patton, chuyên gia từ Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ, nhận định đoạn video đã cho thấy thủy thủ đoàn Trung Quốc thực sự tin một vụ va chạm sẽ xảy ra.
"Đấy có thể là một bước leo thang trong cuộc đối đầu khi Hải quân Trung Quốc phát tín hiệu họ thực sự nghiêm túc khi chuẩn bị cho vụ va chạm", ông Patton nói.
Trong khi đó, Hu Bo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược hải quân tại Đại học Bắc Kinh miêu tả việc binh sĩ Trung Quốc chuẩn bị phao là "phản ứng tự nhiên" trong tình huống vụ tai nạn có thể xảy ra.
Đoạn video ghi lại vụ đối đầu tháng 10/2018 giữa tàu chiến Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông. Hải quân Trung Quốc đã cảnh báo tàu USS Decatur sẽ hứng chịu "hậu quả nghiêm trọng" nếu không thay đổi lộ trình.
Bắc Kinh sau đó cáo buộc tàu chiến Mỹ đã có "hành động gây hấn" và vi phạm "các nguyên tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ quốc tế" khi đưa tàu chiến vào khu vực.
Thời gian qua, Trung Quốc tiếp tục sử dụng tàu chiến và tàu đánh cá dân sự nhằm duy trì sự hiện diện và củng cố cho yêu sách chủ quyền phi pháp tại Biển Đông. Mới đây, tàu đánh cá và tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm phạm vùng nước quanh quần đảo Natuna của Indonesia, buộc Jakarta phải điều động tàu chiến tới khu vực này.
Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì các hoạt động tuần tra tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, nhằm phản đối yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Các quốc gia ASEAN cũng nhiều lần khẳng định yêu sách chủ quyền chiếm tới 90% diện tích Biển Đông của Trung Quốc đi ngược lại luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.