Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ - Trung và câu hỏi 12 hải lý

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã không trả lời câu hỏi việc máy bay và tàu chiến nước này sẽ được điều đến trong phạm vi 12 hải lý quanh các điểm Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng.

Ông John Kerry đã không trả lời câu hỏi về chuyện đưa tàu, máy bay Mỹ vào trong phạm vi 12 hải lý các điểm Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa trong họp báo với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Ông John Kerry đã không trả lời câu hỏi về chuyện đưa tàu, máy bay Mỹ vào trong phạm vi 12 hải lý các điểm Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Ông Kerry nói về Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB), về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng thông tin quân sự đó đã không được ông xác nhận. Nhà Trắng đến giờ cũng từ chối bình luận về thông tin mà tờ Wall Street Journal tiết lộ là “nguồn tin rò rỉ từ Lầu Năm Góc” này.

12 hải lý hay 500 m?

12 hải lý là phạm vi lãnh hải và thường chỉ được công nhận nếu các điểm này được coi là đảo. Tuy vậy, theo các chuyên gia, những điểm Trung Quốc đang xây hầu hết là bãi san hô ngầm hoặc đá nên sẽ chỉ có 500 m lãnh hải,  không phải 12 hải lý như thông thường, và cũng không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Theo giới quan sát, động thái đi vào 12 hải lý như vậy có thể buộc Trung Quốc phải đưa ra căn cứ cụ thể cho các tuyên bố chủ quyền của mình.

“Quan điểm ở đây là chúng ta phải gây nhiều sức ép với Trung Quốc với mọi cơ hội mà không quá gây hấn, khiến họ ngày càng không thoải mái với những gì mình đang làm”, Gregory Poling của Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS), nói với Bloomberg.

IHS Jane, tạp chí hàng đầu về quốc phòng, đánh giá khả năng Mỹ đưa tàu hay máy bay vào phạm vi 12 hải lý sẽ khó xảy ra lúc này vì nó có thể dẫn tới cuộc đối đầu ngoại giao trực diện giữa 2 nước.

Trong bối cảnh Mỹ còn cần Trung Quốc trong một loạt vấn đề an ninh và kinh tế (như Triều Tiên, Iran...), Washington sẽ không muốn gây hấn với Trung Quốc. Tuy nhiên, họ thừa nhận khả năng Washington sẽ đưa tàu tới sát vạch 12 hải lý.

Ông Shear "lỡ lời"

Trở lại Washington, trong cuộc điều trần ở Thượng viện, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á David Shear được cho là đã “lỡ lời” khi tuyên bố Mỹ sẽ cho máy bay chiến lược B-1 tới Biển Đông từ Australia.

Chỉ vài phút sau thông tin này, Lầu Năm Góc và Canberra đã dồn dập nhận điện thoại từ Bắc Kinh để chất vấn. Lầu Năm Góc sau đó đã phải ra tuyên bố đính chính rằng ông Shear, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, đã nói sai.

Tuy nhiên, tân Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, người được coi là cứng rắn hơn với Trung Quốc, thể hiện rõ rằng Lầu Năm Góc sẽ không xuống thang. “Chúng tôi sẽ điều một loạt các phi đội thêm ở Australia bao gồm cả chiến đấu cơ, máy bay ném bom, máy bay tiếp dầu trên cơ sở luân phiên”, ông tuyên bố trên bản thông cáo của Lầu Năm Góc.

John Lee, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Hudson ở Washington, cho rằng việc điều máy bay ném bom chiến lược B-1 (máy bay ném bom siêu thanh, thay thế cho B-52 với giá khoảng 300 triệu USD một chiếc) đồng nghĩa là “anh chuẩn bị cho chiến tranh nóng”.

"B-1 là máy bay rất nặng đô và là vũ khí chiến đấu quan trọng mà anh thường dùng cho các trận chiến lớn. Nhưng tuyên bố làm rõ của Bộ Quốc phòng bắn tín hiệu cho thấy người Mỹ sẵn sàng cho mọi phương án”, ông Lee nói.

Trong vòng 12 tháng qua, tốc độ lấn đất của Trung Quốc diễn ra nhanh chóng tại 7 điểm trên Biển Đông. Ước tính Trung Quốc đã lấn thêm khoảng 500 ha đất mới trên 5 điểm ngoài Trường Sa: Bãi Chữ Thập, Gạc Ma, Đá Cô Lin, Đá Châu Viên và Đá Gaven. Một số nguồn tin cho hay, cứ khoảng 10 ngày, Trung Quốc đổ được một ha đất, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Ông Shear trình bày ở Thượng viện rằng, dù tốc độ xây nhanh vậy nhưng phải tới ít nhất năm 2017 Trung Quốc mới hoàn tất việc xây dựng sân bay ở Bãi Chữ Thập.

Một số chuyên gia phân tích về mục tiêu Trung Quốc xây đảo rằng, ngoài mục tiêu quân sự, Bắc Kinh muốn thay đổi hiện trường và chạy đua trước khi Tòa trọng tài thường trực PCA ra quyết định về vụ kiện “đường 9 đoạn” của Philippines.

Lát cắt salami kèm kẹo bọc đường

William Choong, chuyên gia phân tích về an ninh hàng hải khu vực, viết cho Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI) về thế khó của các nước khi đối đầu với chiến lược “lát cắt salami” (tăng tốc gây hấn bằng những mức độ nhỏ, vừa phải nhưng đều đặn) của Trung Quốc.

“Lịch sử về chiến lược lát cắt salami của Trung Quốc tạo tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các nước trong khu vực cũng như các cường quốc bên ngoài: liệu họ có nên tăng mức độ phản kháng mỗi lần Trung Quốc cắt thêm một lát - điều có thể dẫn tới xung đột, hay cứ chờ đó và để mặc Trung Quốc củng cố các hoạt động chiếm đóng ngoài biển”.

Câu hỏi lớn nhất lúc này là ai hay có cách gì để chặn hoạt động chiếm đất của Trung Quốc? William Choong cho rằng sẽ không có cách nào. Các nước từng đề nghị sớm hoàn tất bộ quy tắc ứng xử chung (COC), trong đó nhấn mạnh tới vai trò của luật quốc tế và theo tinh thần của DOC ký hồi năm 2002 giữa Trung Quốc với ASEAN.

Ngay với đề xuất đưa tàu vào trong 12 hải lý quanh các điểm Trung Quốc chiếm đóng của Washington, theo ông Choong, đề xuất đó dù “hữu ích, các đề nghị sẽ chẳng ngăn chặn hay khiến Trung Quốc rút lại các hoạt động thay đổi hiện trạng trên biển”.

Vấn đề là Trung Quốc không chỉ “cắt salami”, cùng lúc Bắc Kinh còn dùng các viên kẹo đường như giao thương kinh tế, thương mại hay viện trợ để xoa dịu các nước về hành động cắt salami.

Sau khi chiếm bãi cạn Scarborough hồi năm 2012, Trung Quốc tỏ ra mềm mỏng trở lại trong năm 2013 và đề nghị ASEAN ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác. Bắc Kinh khi đó nói họ muốn đưa quan hệ Trung Quốc - ASEAN từ “thập kỷ vàng” đến “thập kỷ kim cương”.

Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.

Năm nay, khi có hàng loạt tuyên bố quan ngại về hoạt động chiếm đất của Trung Quốc cùng với các hình ảnh cụ thể từ vệ tinh, Trung Quốc lại dùng kinh tế để xoa dịu các nước. AIIB của Bắc Kinh đã thu hút một loạt đồng minh quan trọng của Mỹ như Anh, Australia và Hàn Quốc trong khi giới quan sát nhìn nhận đó như cột mốc cho thấy ảnh hưởng của Mỹ suy giảm.

Ngoài AIIB, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh đàm phán Hiệp ước đối tác kinh tế toàn diện RCEP (FTA, gồm ASEAN, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc) như là đối trọng với TPP của Mỹ. Sáng kiến “Con đường tơ lụa, vành đai kinh tế” của Trung Quốc cũng là miếng mồi khác để nhử các nước nhỏ vào vòng ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh.

18 tháng "chơi rắn"

Theo tác giả John Kehoe của Financial Review, Trung Quốc nhìn nhận họ có 18 tháng từ nay tới khi nước Mỹ có tổng thống mới. Đây là khoảng thời gian họ có thể thử để coi lấy được bao nhiêu đất ngoài biển.

“Tính toán của Trung Quốc giờ là chơi rắn lúc này”, Ernest Bower, cố vấn cao cấp về Biển Đông tại Trung tâm nghiên cứu CSIS ở Washington, nói.

Về phần mình, Lầu Năm Góc đã thể hiện sự chuyển hướng ở châu Á. Dù không phải là nhân vật hiếu chiến, ông Carter - được phê chuẩn hồi tháng 2 - là người ủng hộ khu vực châu Á, theo ông Elbridge Colby của Trung tâm an ninh mới của Mỹ (CNAS), “cảm nhận của tôi là Carter sẽ thúc đẩy lực lượng (về châu Á) mạnh mẽ hơn là Hagel”.

Ngoài ra, việc bổ nhiệm đô đốc Harry Harris, một người cứng rắn, làm tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương cho thấy Lầu Năm Góc sẽ cứng rắn hơn.

Ông Harris từng là cựu đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương và biết rất rõ các hành động quyết liệt của Trung Quốc ngoài biển. “Tôi nghĩ Lầu Năm Góc và giới quân đội quan tâm đến châu Á - Thái Bình Dương nhiều hơn so với các cơ quan khác trong chính quyền Mỹ”, Colby nhận định.

Mỹ tố TQ gây nhiễu máy bay do thám trên Biển Đông

Washington cáo buộc quân đội Trung Quốc cố tình làm nghẽn tín hiệu của phi cơ tuần tra Mỹ khi nó bay phía trên Biển Đông.

http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su-kien/quoc-te/20150525/my-trung-va-cau-hoi-12-hai-ly/750630.html

Theo Thanh Tuấn/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm