Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông. Ảnh: Bộ Quốc phòng Philippines |
Theo báo New York Times, sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lên tiếng cảnh báo các chuyến bay tuần tra của Mỹ là “vô trách nhiệm và nguy hiểm”, sĩ quan chỉ huy William Marks, đại diện truyền thông hải quân Mỹ, tuyên bố Bộ Quốc phòng hoàn toàn không có ý định dừng các chuyến bay tuần tra hàng ngày.
Ông Marks mô tả Trung Quốc đang xây đảo quá nhanh, không thể tưởng tượng được và Mỹ “có quyền tự do hàng không trên vùng không phận quốc tế”.
Một quan chức Lầu Năm Góc giải thích việc mời phóng viên CNN lên máy bay P-8 Poseidon tới biển Đông để dư luận Mỹ, châu Á và thế giới hiểu rõ mối đe dọa mà các đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc gây ra đối với tự do hàng hải và hàng không.
Nhà phân tích Mira Rapp Hooper của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đánh giá đây là nỗ lực minh bạch của Mỹ để chứng minh những cản trở và nguy hiểm của các đảo nhân tạo này.
Mỹ sẽ điều tàu khu trục
Tương tự, giáo sư chính trị Andrew L. Oros của Trường Washington nhận định: “Chuyến bay của hải quân Mỹ là một phản ứng có tính toán, là thông điệp gửi đến Trung Quốc rằng cả thế giới đang quan sát tình hình Biển Đông. Bởi Bắc Kinh xây đảo tại địa điểm không ai công nhận là của họ. Chúng ta phải chống lại quan điểm của Trung Quốc rằng họ có quyền thực hiện các hành vi đơn phương dù bị cả thế giới phản đối”.
Trong thời gian qua, dư luận cả thế giới đều lo ngại Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo này. Nhiều chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ triển khai hàng loạt vũ khí để biến các đảo này thành những “tàu sân bay” hoạt động 24/7.
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cũng vừa lên tiếng cho rằng các hành động của Trung Quốc “đang đe dọa tự do hàng hải trên biển Đông”.
Ngày 22/5, phát biểu trước các thiếu sinh quân vừa tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ, ông Biden nói rằng chính sách đối ngoại của Mỹ hướng tới sự cân bằng ở vùng châu Á - Thái Bình Dương và nhiều học viên tốt nghiệp sẽ tới đó để “bảo vệ hòa bình”.Báo New York Times còn dẫn lời một quan chức khác của Lầu Năm Góc tiết lộ quân đội Mỹ đang thảo luận kế hoạch tăng cường sự hiện diện của hải quân ở gần các đảo nhân tạo bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Hải quân Mỹ có thể triển khai tàu hộ vệ tên lửa, tàu khu trục và tàu chiến gần bờ cỡ nhỏ để tuần tra khu vực này. Không mời Trung Quốc tham gia tập trận chung, kế hoạch tuần tra Biển Đông của Bộ Quốc phòng Mỹ với tàu chiến và máy bay được nhiều nghị sĩ và giới truyền thông ủng hộ.
Theo báo Wall Street Journal (WSJ), mới đây hai thượng nghị sĩ John McCain và Jack Reed, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện, đã gửi thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, đề nghị Lầu Năm Góc hủy lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2016 để phản đối các hành vi khiêu khích của Bắc Kinh trên Biển Đông.
“Chúng tôi cho rằng lời mời này là sai lầm. Do Trung Quốc có hành vi khiêu khích trên Biển Đông, chính phủ cần xem xét trừng phạt các hành xử gây bất ổn của Bắc Kinh”, ông McCain và ông Reed viết trong thư. Hai thượng nghị sĩ nhấn mạnh Bắc Kinh “đang tìm cách kiểm soát cả Biển Đông và biển Hoa Đông bằng hàng loạt chiêu thức bắt nạt và gây sức ép”.
Trước đó, nhiều quan chức quân sự Mỹ cũng lo ngại Trung Quốc, khi dự RIMPAC, có thể sẽ quan sát để đánh cắp các công nghệ quốc phòng nhạy cảm của Mỹ. Mới đây, báo WSJ cũng đánh giá Mỹ hành động hoàn toàn đúng khi cản trở Trung Quốc đòi chủ quyền trái phép trên Biển Đông.
Báo này khẳng định trong nhiều năm qua các nước đã nỗ lực dùng biện pháp ngoại giao để thuyết phục Bắc Kinh ngừng gây hấn nhưng hoàn toàn vô hiệu. “Mỹ càng chậm cản trở Trung Quốc đòi chủ quyền ở Biển Đông thì Bắc Kinh sẽ càng hung hăng”, báo WSJ của Mỹ nhận định.
Philippines tiếp tục tuần tra trên Biển Đông
Đơn vị chống khủng bố của lực lượng tuần duyên Philippines trong lần tập trận phối hợp với Nhật Bản ở vùng vịnh Manila ngày 6/5. Ảnh: Reuters |
Theo báo Inquirer, Chính phủ Philippines tuyên bố sẽ tiếp tục tuần tra trên biển và trên không ở Biển Đông bất chấp những lời đe dọa của Trung Quốc. Ông Herminio Coloma, đại diện chính quyền Manila, cho biết: “Quan điểm của chúng tôi về tự do hàng hải và hàng không là không thay đổi. Chúng tôi sẽ khẳng định quan điểm của mình theo đúng luật pháp quốc tế”.