Ngày 22/8, bộ Tài chính Mỹ thông báo trừng phạt 10 công ty và 6 cá nhân đã giúp đỡ chương trình tên lửa của Triều Tiên hoặc có "hợp tác thương mại về năng lượng với Triều Tiên".
Thông báo cho biết Washington cũng trừng phạt các cá nhân và nhóm cho phép các đơn vị của Triều Tiên tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ hoặc giúp Bình Nhưỡng xuất khẩu lao động.
"Bộ Tài chính sẽ tiếp tục gây áp lực lên Triều Tiên bằng cách nhắm vào những người ủng hộ các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân, đồng thời cách ly họ khỏi hệ thống tài chính Mỹ", Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói trong một thông cáo.
"Việc các cá nhân và công ty Trung Quốc, Nga, và ở nhiều nơi khác cho phép Triều Tiên có nguồn tiền để phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và gây bất ổn cho khu vực là không thể chấp nhận được", ông Mnuchin cho hay.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Ảnh: Getty. |
Từ khi Bình Nhưỡng tiếp tục các vụ thử hạt nhân và tên lửa, Mỹ thường gây áp lực kinh tế lên Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của Triều Tiên, để buộc nước này thay đổi hành động.
Đầu tháng này, căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đã tăng lên sau khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo ông sẽ đáp lại những đe dọa của nhà lãnh đạo Kim Jong Un với "hỏa lực và cuồng nộ". Cảnh báo đưa ra sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố phát triển thành công vũ khí hạt nhân đủ nhỏ để phù hợp với tên lửa đạn đạo liên lục địa của mình.
Hai bên tiếp tục leo thang đe dọa trong vài ngày trước khi hạ nhiệt căng thẳng.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ nói họ không muốn hành động quân sự chống Triều Tiên, trừ khi đó là phương án cuối cùng. Việc hợp tác với Trung Quốc được coi là một phần quan trọng của giải pháp ngoại giao.
Cũng đầu tháng này, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã biểu quyết nhất trí trừng phạt Triều Tiên. Nghị quyết trừng phạt đã nhận được sự tán thành của cả Nga và Trung Quốc.