Từng bước một, Mỹ và Trung Quốc đang gỡ bỏ các gắn kết về chính trị, kinh tế và xã hội được tạo dựng qua nhiều thập kỷ, mở ra kỷ nguyên đối đầu mới với quan điểm diều hâu của quan chức cả hai bên, theo New York Times.
Những tuần gần đây, với việc Tổng thống Donald Trump tụt xa trong các cuộc thăm dò khi bầu cử đang đến gần, các quan chức an ninh quốc gia của ông đã tăng cường tấn công nhắm vào các quan chức, nhà ngoại giao và lãnh đạo các tập đoàn của Trung Quốc.
Tổng thống Trump gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhật Bản năm 2019. Ảnh: New York Times. |
Di sản đối ngoại lớn nhất của ông Trump
Dù đây là một phần thông điệp tranh cử, một số quan chức Mỹ do lo ngại TT Trump có thể thua trong bầu cử, đang cố biến những thay đổi căng thẳng này thành không thể đảo ngược dù người chiến thắng vào tháng 11 tới là ai.
Các động thái gần đây của Trung Quốc trong nhiều vấn đề như Hong Kong hay Biển Đông đã dẫn đến phản ứng cứng rắn từ phía Washington và châm ngòi cho đối đầu có thể gây tổn hại lớn.
Ngoại trưởng Mike Pompeo đã có bài phát biểu cứng rắn với Trung Quốc tại thư viện Nixon hôm 23/7. Ảnh: Getty. |
Kết hợp lại, đây có thể là chính sách đối ngoại để lại hệ quả lớn nhất của ông Trump: sự hình thành một cuộc đối đầu về chiến lược và ý thức hệ cơ bản giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mục tiêu cuối cùng của các cố vấn diều hâu trong chính quyền Mỹ là một cuộc cạnh tranh toàn diện và khốc liệt. Theo quan điểm của họ, bất kể ai là tổng thống Mỹ vào nhiệm kỳ tới, quan hệ với Trung Quốc nên là mối quan hệ đối đầu, ép buộc và đối kháng.
Những hành động trả đũa qua lại trong tuần qua đã khiến quan hệ hai bên ngày càng xấu đi.
Hôm 21/7, Bộ Ngoại giao Mỹ ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, Texas, khiến các nhà ngoại giao ở đó phải đốt tài liệu trong sân. Trả đũa, Trung Quốc yêu cầu Mỹ đóng cửa lãnh sự quán ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên vào hôm 24/7.
Cùng lúc đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ra cáo trạng hình sự với bốn nhà khoa học Trung Quốc vì nói dối về mối quan hệ của họ với quân đội Trung Quốc để hoạt động tình báo bí mật ở Mỹ. Cả bốn người đã bị bắt.
Bên ngoài Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, Trung Quốc hôm 24/7. Bắc Kinh ra lệnh đóng cửa nơi này để trả đũa việc đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston. Ảnh: AFP. |
Một tháng qua, chính quyền Mỹ đã tuyên bố trừng phạt các quan chức cấp cao của Trung Quốc, bao gồm cả một thành viên của Bộ Chính trị, về việc giam giữ hàng loạt người theo đạo Hồi. Mỹ cũng tước bỏ quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong trong ngoại giao và thương mại. Đồng thời, Mỹ tuyên bố yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp.
Chính quyền Mỹ cũng hủy visa của sinh viên sau đại học Trung Quốc có quan hệ với các tổ chức quân sự ở Trung Quốc. Các quan chức Mỹ cũng đang thảo luận về việc có nên làm như vậy với các thành viên của đảng Cộng sản Trung Quốc và gia đình của họ hay không. Nếu được thực thi, 270 triệu người có thể vào danh sách đen sau động thái này.
“Ngoại trưởng Mike Pompeo và các thành viên khác của chính quyền ông Trump dường như có mục tiêu rộng lớn hơn”, ông Ryan Hass, người phụ trách về Trung Quốc trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời ông Barack Obama, nói với New York Times.
“Họ muốn định hướng lại mối quan hệ Mỹ - Trung thành cuộc cạnh tranh toàn diện mang tính hệ thống và không thể đảo ngược bởi kết quả của cuộc bầu cử sắp tới”, ông Hass nói. “Họ tin rằng sự định hướng lại này là cần thiết để đưa Mỹ vào thế cạnh tranh chống lại đối thủ có tầm địa chiến lược trong thế kỷ 21 của mình”.
Ngay từ đầu, ông Trump đã tuyên bố sẽ thay đổi mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng chủ yếu là trong lĩnh vực thương mại.
Đầu năm nay, thỏa thuận đình chiến trong chiến tranh thương mại được các phụ tá của ông Trump gọi là thành tựu. Thỏa thuận mong manh này vẫn có hiệu lực và đang bị lu mờ bởi cuộc chiến lớn hơn.
Gốc rễ sâu xa của mâu thuẫn
Ngoài Trung Quốc, chính quyền ông Trump đạt được rất ít mục tiêu trong chính sách đối ngoại. Chính sách ngoại giao cá nhân với ông Kim Jong Un của ông Trump không giúp chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran khiến các đồng minh xa lánh và lãnh đạo của đất nước này trở nên cứng rắn hơn. Nỗ lực thay đổi chính quyền ở Venezuela của ông Trump cũng thất bại. Việc ông hứa rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan vẫn chưa được thực hiện.
Tại Bắc Kinh, một số quan chức và nhà phân tích đã công khai gọi nhiều động thái của chính quyền ông Trump là để phục vụ cho chiến dịch tranh cử. Họ cáo buộc ông Pompeo và những người khác thúc đẩy tâm lý Chiến tranh Lạnh để ghi điểm trong cuộc bầu cử khó khăn tới.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều người công nhận rằng xung đột giữa hai nước có gốc rễ sâu xa hơn.
Quy mô chiến dịch của chính quyền Tổng thống Trump đã giúp những người ở Trung Quốc, và có thể chính ông Tập, xác nhận mối nghi ngờ từ lâu: Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận việc Trung Quốc có kinh tế và quân sự ngày một phát triển.
“Những động thái đó không chỉ vì chiến dịch tranh cử”, ông Cheng Xiaohe, phó giáo sư Trường Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói. “Đây là sự leo thang tự nhiên trong quan hệ hai bên và là kết quả của những mâu thuẫn vốn có giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Những người ủng hộ ông Trump tại cuộc vận động tranh cử ở Tulsa, Oklahoma, vào tháng 6. Ảnh: New York Times. |
“Bắc Kinh không muốn một cuộc chiến toàn diện với Mỹ”, bà Jessica Chen Weiss, nhà khoa học chính trị tại Đại học Cornell, người nghiên cứu về Trung Quốc, nói với New York Times. “Nhưng tối thiểu, chính phủ Trung Quốc sẽ trả đũa để cho thế giới thấy rằng Trung Quốc sẽ không bị đe dọa và sai khiến”.
Giọng của Tổng thống Trump trở nên gay gắt hơn khi cuộc bầu cử đang gần kề. Ông quay lại chỉ trích Trung Quốc như năm 2016, đổ lỗi cho Bắc Kinh về đại dịch và thậm chí gọi Covid-19 bằng một cụm từ phân biệt chủng tộc. Êkíp của ông cũng đưa những tuyên bố mạnh mẽ về Trung Quốc thành trụ cột trong chiến dịch tranh cử và tin rằng nó làm cử tri hào hứng.
Ngôn ngữ gay gắt kết hợp với các động thái của chính quyền Mỹ thực sự có tác động đến người dân Trung Quốc, một số nhà phân tích và chính trị gia ở Bắc Kinh nói.
Quan hệ Mỹ - Trung có thể không thay đổi hướng đi ngay cả khi ông Joe Biden đánh bại ông Trump vào tháng 11. Ý tưởng về việc định hướng lại chính sách của Mỹ theo hướng cạnh tranh với Trung Quốc đã được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng trong ba năm rưỡi qua.
Việc Trung Quốc xử lý đại dịch không phù hợp ở giai đoạn đầu và những hành động của chính quyền Trung Quốc ở Hong Kong là tín hiệu góp phần dẫn đến sự thay đổi quan điểm của giới chính trị Mỹ.
Những quan chức diều hâu trong chính quyền ông Trump đang dùng cơ hội này công khai quan điểm của họ. Họ kêu gọi công dân các quốc gia tự do phải thức tỉnh trước những nguy cơ và chuẩn bị cho các xung đột có thể kéo dài trong nhiều thập kỷ.
Bộ trưởng Tư pháp William P. Barr đã buộc tội các công ty Mỹ thỏa hiệp với Trung Quốc.
Trong khi đó, Christopher Wray, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI), cho biết cơ quan của ông cứ mỗi 10 giờ lại mở một cuộc điều tra phản gián liên quan đến Trung Quốc.
Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, Robert O’Brien, cảnh báo rằng Trung Quốc đang biến đổi thế giới theo cách nước này muốn. “Nỗ lực kiểm soát tư tưởng bên ngoài biên giới Trung Quốc đang diễn ra”, ông nói.