Hồi tháng 12/2020, thủy thủ đoàn của tàu tuần duyên USCGC Myrtle Hazard đã xuất phát trong đêm và thả neo ngoài quốc đảo Palau trên Thái Bình Dương. Nhiệm vụ của tàu này là bắt giữ các tàu cá Trung Quốc đang khai thác thủy sản trái phép trong khu vực, và đã thu giữ số hải sâm trị giá hàng chục nghìn USD.
Việc các tàu phản ứng nhanh của Lực lượng Tuần duyên Mỹ được triển khai tại Tây Thái Bình Dương - vốn cách bờ biển nước này tới hơn 10.000 km và cách vùng lãnh thổ Guam hơn 1.200 km - là một phần mới trong chiến lược của lực lượng này nhằm đối phó với lực lượng hải quân mở rộng của Trung Quốc trong khu vực.
Tăng cường hiện diện
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã gia tăng việc sử dụng kết hợp các hạm đội tàu cá, tàu hải cảnh và tàu hải quân nhằm gia tăng sự hiện diện tại Biển Đông. Nước này cũng sử dụng phương pháp tương tự tại nhiều khu vực thuộc Thái Bình Dương.
Các tàu cá Trung Quốc thường xuyên xuất hiện với số lượng lớn tại vùng biển quanh các quốc đảo như Kiribati và Tuvalu - vốn là khu vực có ngư trường trù phú nhất thế giới. Hải quân Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện trong khu vực, khi từng cử tàu chiến đến thăm Sydney, Australia vào năm 2019 và cử tàu bệnh viện đến Fiji vào năm 2018.
Hai tàu chiến Trung Quốc cập cảng Sydney, Australia năm 2019. Ảnh: Shutterstock. |
Lực lượng Tuần duyên Mỹ đã tăng cường hoạt động trong khu vực để phản ứng với động thái của Trung Quốc. Trong vài tháng gần đây, hai tàu tuần duyên tân tiến nhất của Mỹ đã được triển khai đến Guam, và một tàu nữa được dự kiến được triển khai vào tháng tới.
Bên cạnh đó, Tuần duyên Mỹ đã lần đầu tiên cử các tùy viên đến đại sứ quán Mỹ tại Canberra, Australia và một tùy viên nữa sẽ được cử đến Singapore vào năm tiếp theo.
Lực lượng Tuần duyên Mỹ hiện dần tăng cường hoạt động của mình ở Tây Thái Bình Dương và gần vùng biển ngoài khơi Trung Quốc. Trong năm 2019, lực lượng này đã triển khai tàu đến Tây Thái Bình Dương trong hơn 10 tháng nhằm thực hiện nhiệm vụ cùng Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ.
Vào tháng 3/2019, tàu tuần duyên USCGC Bertholf đã đi qua eo biển Đài Loan để tỏ thái độ thách thức với Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên một tàu tuần duyên Mỹ thực hiện chuyến đi mang nặng tính chính trị.
Giảm nguy cơ xung đột
"Mọi thứ đang thay đổi với Chiến lược Quốc phòng Quốc gia (một văn bản được Lầu Năm Góc công bố năm 2018). Sự chuyển tiếp lớn nhất nằm ở chỗ vai trò của lực lượng Tuần duyên trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ngày càng được công khai", Lyle Morris, một nhà phân tích chính sách cấp cao tại Rand Corp, cho biết.
Trong khi Tuần duyên Mỹ trực thuộc Bộ An ninh Nội địa, lực lượng này lại ngày càng hợp tác chặt chẽ với Bộ Quốc phòng. Số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy trong năm 2019, các tàu tuần duyên đã dành 326 ngày hỗ trợ các hoạt động của Lầu Năm Góc, so với con số từ 50 đến 100 ngày trong 5 năm trước đó. Toàn bộ nhiệm vụ được triển khai tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tàu USCGC Myrtle Hazard trên đường đến Guam vào tháng 9/2020. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Bộ Quốc phòng cũng phát tín hiệu rằng cần tập trung hơn vào khu vực trên. Dự kiến, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ diễn ra trong tuần này, với điểm đến là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Mỹ, cùng các đồng minh có hiện diện hải quân mạnh mẽ trong khu vực như Pháp và Australia, lo ngại rằng Trung Quốc sẽ sớm tiến xa nhằm tìm kiếm các ngư trường mới và mở rộng ảnh hưởng chiến lược. Việc triển khai các tàu tuần duyên sẽ giảm nguy cơ nổ ra xung đột quân sự, so với việc sử dụng đến các tàu của lực lượng hải quân.
"Việc cử các tàu tuần duyên đến khu vực nhằm rèn luyện các đối tác của chúng tôi là hoàn toàn hợp lý. Họ có thể thực hiện nhiệm vụ của mình mà không mang đến các rủi ro phức tạp mà lực lượng hải quân có thể gây ra nếu phải thực hiện các nhiệm vụ tương đồng", Hạ nghị sĩ Seth Moulton, thành viên của Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, cho biết.
Các nhiệm vụ chính
Nhiệm vụ lớn nhất của Lực lượng Tuần duyên Mỹ sẽ là kiểm tra các tàu cá của Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển các quốc đảo thuộc Thái Bình Dương.
Theo Đại tá Christopher Chase, sĩ quan chỉ huy Lực lượng Tuần duyên tại Guam, các tàu tuần duyên sẽ giúp tăng khả năng đảm bảo an ninh và ổn định của Mỹ.
Lực lượng Tuần duyên đang đầu tư hơn 19 tỷ USD cho ít nhất 8 tàu tuần duyên cỡ lớn, 25 tàu tuần duyên xa bờ và 58 tàu phản ứng nhanh. Nếu theo đúng kế hoạch, đến cuối năm nay, ít nhất sẽ có 8 tàu được điều động đến các vị trí nhằm đối phó Trung Quốc. Lực lượng Tuần duyên cũng đang đánh giá việc đóng quân tại lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ.
Một tàu tuần duyên cỡ lớn của Tuần duyên Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Những tàu tuần duyên cỡ lớn mới có thể di chuyển xa hơn và nhanh hơn trong điều kiện tệ hơn. Chúng cũng được trang bị pháo hải quân và súng máy hạng nặng cùng với sàn đáp trực thăng.
Lực lượng này cũng sẽ tham gia vào các nhiệm vụ đơn giản như sửa chữa tàu, huấn luyện thủy thủ và thay thế các phao định vị nhằm xây dựng mối quan hệ với các nước trong khu vực.
Phó đô đốc Linda Fagan, chỉ huy lực lượng Tuần duyên Mỹ tại Thái Bình Dương, cho biết Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các nước trong khu vực muốn thấy sự hiện diện thường xuyên hơn của lực lượng này tại Biển Đông.
"Các đối tác của chúng tôi đều có đánh giá tích cực lực lượng Tuần duyên, khi nó tinh gọn hơn và linh hoạt hơn so với hải quân", bà Fagan nói thêm.