Hình ảnh vệ tinh cho thấy các tòa nhà đang cháy và quân đội tuần tra phía đông bắc sân bay quốc tế Khartoum, Sudan, ngày 17/4. Ảnh: Maxar Technologies/Reuters. |
“Chúng tôi đang triển khai các khả năng bổ sung gần đó trong khu vực để dự phòng, nhằm đảm bảo an ninh và tạo sẵn điều kiện thuận lợi cho nhân viên Đại sứ quán Mỹ rời khỏi Sudan, nếu hoàn cảnh yêu cầu”, Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố hôm 20/4, khi tiếng súng tiếp tục nổ và một số lệnh ngừng bắn mới nhất bị phá vỡ, Guardian đưa tin.
Kế hoạch triển khai quân đội đến Trại Lemonnier ở Djibouti đã được xem xét một cách nghiêm túc kể từ hôm 17/4, sau khi một đoàn xe của Đại sứ quán Mỹ bị tấn công ở Khartoum, các quan chức cho biết.
Giao tranh giữa các phe phái quân sự ở Sudan nổ ra vào giữa tháng 4, khiến hơn 330 người thiệt mạng cho đến nay, đẩy quốc gia đang phụ thuộc vào viện trợ lương thực này vào tình trạng mà Liên Hợp Quốc gọi là thảm họa nhân đạo.
Các cuộc giao tranh khốc liệt nhất giữa quân đội và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) đã diễn ra xung quanh Khartoum, một trong những khu vực đô thị lớn nhất của châu Phi, và ở Darfur.
Kể từ khi chiến sự giữa hai phe nổ ra, Mỹ đã dự tính sơ tán các nhân viên chính phủ và đưa họ từ nơi ở đến một địa điểm tập trung an toàn để chuẩn bị.
Bộ Ngoại giao Mỹ trước đây yêu cầu công dân Mỹ ở Sudan tiếp tục trú ẩn trong nhà. Họ cảnh báo tình hình an ninh không ổn định ở Khartoum cùng với việc đóng cửa sân bay khiến việc sơ tán không an toàn.
Các quốc gia khác cũng đã bắt đầu lên kế hoạch sơ tán hàng nghìn người nước ngoài, nhưng những nỗ lực của họ bị đình trệ do bạo lực đang diễn ra.
Các quan chức Mỹ cho biết Djibouti, nằm giữa Ethiopia, Eritrea và Somalia trên Vịnh Aden, sẽ là điểm khởi đầu cho hoạt động sơ tán.
Bất kỳ cuộc sơ tán nào trong hoàn cảnh hiện tại đều gặp nhiều khó khăn và rủi ro an ninh vì sân bay Khartoum vẫn không hoạt động, và các tuyến đường bộ từ thủ đô ra khỏi đất nước rất dài và nguy hiểm ngay cả khi không có chiến sự hiện tại.
Nếu không thể tìm thấy bãi đáp an toàn trong hoặc gần Khartoum, họ có thể phải đưa những người sơ tán đến cảng Sudan trên biển Đỏ, nhưng đó là chuyến đi kéo dài 12 giờ với quãng đường dài 841 km rất nguy hiểm.
Một lựa chọn khác là đi đường bộ đến nước láng giềng Eritrea. Tuy nhiên, đó cũng sẽ là một vấn đề vì nhà lãnh đạo của Eritrea Isaias Afwerki không phải là bạn của Mỹ hay phương Tây nói chung.
Vấn đề Trung Đông - châu Phi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.