Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã trao đổi với người đồng cấp Morocco và Bahran - hai quốc gia Arab gần đây bình thường hóa quan hệ với Israel, AP đưa tin ngày 18/5.
Đồng thời, Đặc phái viên Mỹ Hady Amr đã trao đổi với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas sau khi đến khu vực.
Cách tiếp cận của Mỹ thể hiện chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn đề cao sự hợp tác với đồng minh và tránh công khai chỉ trích Israel, trong lúc xung đột giữa quân đội Israel và phong trào Hamas bước sang tuần thứ hai. Ít nhất 213 người Palestine và 12 người Israel đã thiệt mạng, theo AP.
Cùng ngày 18/5, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự định mở phiên họp khẩn cấp (giờ địa phương), sau khi Mỹ - đồng minh chủ chốt của Israel - lần thứ ba trong tuần chặn tuyên bố chung kêu gọi ngừng bạo lực.
Về việc này, Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ “không cản trở các nỗ lực ngoại giao” nhưng tuyên bố của Liên Hợp Quốc sẽ không thúc đẩy mục tiêu ngừng bạo lực.
“Nếu có hành động gì, bao gồm hành động ở Liên Hợp Quốc, có thể giải quyết tình hình, chúng tôi sẽ ủng hộ ngay”, ông Blinken nói.
Một cậu bé Palestine đứng trước căn nhà đổ nát của mình tại Dải Gaza vào ngày 14/5 sau trận không kích của Israel. Ảnh: The New York Times. |
Thư ký báo chí Nhà Trắng kiêm Jen Psaki và cố vấn an ninh Jake Sullivan cũng cho biết Mỹ đang tập trung vào nỗ lực “ngoại giao lặng lẽ, sâu sắc”.
Điều này phần nào được thể hiện qua cuộc điện đàm ngày 17/5 với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, khi Tổng thống Biden bày tỏ ủng hộ ngừng bắn nhưng không trực tiếp yêu cầu. Ông Biden còn kêu gọi “Israel hết sức đảm bảo sinh mạng dân thường”, AP dẫn lời Nhà Trắng.
Theo một quan chức trong Nhà Trắng, quyết định không trực tiếp yêu cầu ngừng bắn là có chủ đích. Tuy Tổng thống Biden và các trợ lý hàng đầu lo ngại về thương vong ngày càng tăng, quyết định trên thể hiện Nhà Trắng quyết tâm ủng hộ quyền tự vệ của Israel trước Hamas.