Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Nga, viện trợ Ukraina

Ngày 28/3, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cung cấp khoản vay một tỷ USD cho chính phủ lâm thời Kiev đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt Nga do sáp nhập Crimea.

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật bằng hình thức biểu quyết, trong khi Hạ viện thông qua với 399 phiếu thuận và 19 phiếu chống. 

"Tôi nghĩ chúng ta đang trải qua thời khắc lịch sử nguy hiểm với những hậu quả khôn lường có thể xảy ra trên toàn cầu", Robert Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ nhấn mạnh.

Vì vậy, theo các nhà lập pháp Mỹ, dự luật này là một thông điệp rõ ràng Washington gửi tới Tổng thống Nga Putin cũng như cộng đồng quốc tế.

Hai viện sẽ phải nhất trí về cách thức giải quyết các bất đồng nhỏ còn tồn tại trong hai văn bản luật trước khi chuyển dự thảo luật cuối cùng cho Tổng thống Barack Obama ký thành luật. 

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Barroso cho biết, Liên minh châu Âu (EU) chưa sẵn sàng kết nạp Ukraina là thành viên mới nhưng đề cập tới khả năng này trong tương lai.

EU bỏ phiếu về tương lai Crimea và Ukraina. Ảnh: RIA Novosti.

“Chúng tôi luôn khẳng định rằng, cánh cửa hội nhập sẽ không bao giờ đóng lại. Chính vì lẽ đó, khả năng Ukraina gia nhập EU vẫn có thể xảy ra trong tương lai”, quan chức này nhấn mạnh.

Vài ngày trước, chính quyền lâm thời Kiev đã ký thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu, giúp quan hệ đôi bên trở nên gần gũi hơn. Tuy nhiên, các thỏa thuận quan trọng về kinh tế và quân sự chưa được thông qua.

Trong một diễn biến khác, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa bỏ phiếu về nghị quyết do Ukraina đệ trình, nhằm lên án cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea khiến nó trở thành một phần của Liên bang Nga. Gần 100 quốc gia thành viên LHQ ủng hộ nghị quyết, 11 quốc gia bỏ phiếu chống, 58 nước bỏ phiếu trắng.

Trên thực tế, chỉ 168/193 nước thành viên cử đại diện tới tham dự phiên họp của Đại hội đồng LHQ ở New York, Mỹ. Nga, Armenia, Belarus, Bolivia, Cuba, Triều Tiên, Nicaragua, Sudan, Syria, Venezuela và Zimbabwe là những nước chống lại nghị quyết do chính phủ lâm thời Ukraina đệ trình.

Không giống các quyết định của Hội đồng Bảo an, nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc không có tính ràng buộc pháp lý. Nó chỉ thể hiện quan điểm toàn cầu về một vấn đề quốc tế. Trong khi đó, Nga là một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nên cơ quan này sẽ không thể ra quyết định trừng phạt vì Moscow nắm quyền phủ quyết.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm