Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm tàu USS Ronald Reagan neo tại vịnh Sagami, Nhật hôm 18/10. Ảnh: Nikkei Asian Review |
Báo cáo do Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Ngân sách (CSBA), có trụ sở tại Washington DC công bố. Viện chủ yếu bao gồm các cựu quan chức của Bộ Quốc phòng và quân đội Mỹ.
Báo cáo cho hay, khi Mỹ ngày càng gặp khó khăn trong việc tăng ngân sách quốc phòng, chính phủ nước này phải đối mặt với một loạt thách thức, chẳng hạn như cuộc xung đột diễn ra ở Trung Đông và châu Phi cũng như căng thẳng gia tăng ở châu Âu.
Trước tình hình đó, Washington cũng phải tìm cách để duy trì sự hiện diện tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang ngày càng củng cố địa vị. CSBA đã biên soạn báo cáo mới như một đơn thuốc hay cho thách thức này.
Liều thuốc triệt để
Báo cáo cho rằng việc triển khai 2 hàng không mẫu hạm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương là cần thiết nhằm đối phó với việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh và những tình huống khác. Hiện tại, tàu sân bay USS Ronald Reagan đang ở vùng biển ngoài khơi thành phố Yokosuka, Nhật Bản. Trong khi hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt neo tại cảng San Diego. Nhà chức trách có thể triển khai 2 chiến hạm để đối phó với bất cứ tình huống nào xảy ra trong khu vực.
Tuy nhiên, USS Theodore Roosevelt cần trở lại Bờ Tây nước Mỹ để sửa chữa và kiểm tra thường xuyên. Việc quá cảnh qua Thái Bình Dương từ Bờ Tây chiếm khoảng 20% thời gian triển khai, Bryan Clark, một trong 2 tác giả của bản báo cáo, nói.
Trong trường hợp đó, hiệu quả và hiệu quả chi phí sẽ tăng nếu triển khai một tàu sân bay thứ 2 tại Nhật Bản và cùng vận hành chúng tại đây.
Áp lực gia tăng ngân sách vào Hải Quân Mỹ là một trong những lý do cho đề nghị này.
Khi căng thẳng theo thang ở nhiều khu vực trên thế giới, hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ ngày càng tham gia nhiều vào các hoạt động vượt quá khả năng của họ. Hơn nữa, hải quân lên kế hoạch tăng gấp đôi số lượng hạm đội từ 272 lên 321 vào năm 2028. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng việc mở rộng hạm đội này sẽ rất khó bởi chi phí đóng tàu tăng.
Bản báo cáo không chỉ gây ra một cuộc tranh luận chính sách mà còn dựa trên những phân tích số liệu cụ thể. Vì vậy, nó đánh giá tác động của chi phí đóng tàu sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh trên biển của Mỹ. Tài liệu này cũng tính toán thời gian cần thiết để huấn luyện các đội tàu, kiểm tra, sửa chữa cũng như các hoạt động khác.
Sau đó, nó trình bày nhiều lựa chọn để hải quân và thuỷ quân lục chiến hoạt động hiệu quả hơn ngoài việc triển khai tàu sân bay thứ 2 tại Nhật Bản.
Tranh cãi
Tuy nhiên, trên thực tế, việc đưa một tàu sân bay đến Nhật Bản sẽ gây tranh cãi trên cả hai mặt trận chính trị và ngoại giao. Một mặt, giới chức phải xây dựng một cơ sở mới để chứa tàu sân bay bổ sung. Mặt khác, người dân địa phương có thể sẽ phản đối một kế hoạch như vậy.
Một quan chức hải quân cho biết, hiện tại, chính phủ 2 nước chưa thảo luận kế hoạch triển khai thêm tàu tại Nhật Bản.
Trong khi đó, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng cho hay, tàu ngầm và các đơn vị tên lửa trên mặt đất nên đóng vai trò trung tâm trong các lực lượng của Mỹ tại Nhật, khi Trung Quốc và Triều Tiên có thể dễ dàng nhắm mục tiêu vào một tàu sân bay với tên lửa. Các chuyên gia quốc phòng khác tại CSBA cũng có quan điểm tương tự.
Tại Mỹ, các cố vấn tư nhân rất tích cực trong việc nghiên cứu các lựa chọn chính sách trên phạm vi rộng và lập đề xuất. Một số lý lẽ vô cùng logic, mạch lạc nhưng không thể thực hiện. Báo cáo mới của CSBA là một trong số đó.