Trung tâm đánh giá chiến lược và dự toán ngân sách Mỹ đã đưa ra khái niệm về “Tác chiến không - hải nhất thể” vào năm 2010.
Căn cứ vào khái niệm này, một khi nổ ra chiến tranh với Trung Quốc, quân đội Mỹ sẽ tấn công hệ thống giám sát tình báo và hệ thống phòng không của Đại lục, sau đó sẽ triển khai chiến dịch đánh phá các hệ thống tên lửa đạn đạo và tên lửa chống hạm trên lục địa của Trung Quốc, đồng thời đoạt quyền kiểm soát mạng lưới tác chiến và quyền khống chế trên không, trên biển và vũ trụ.
Tuy nhiên, theo tạp chí Lợi ích quốc gia, khái niệm “Tác chiến không - hải nhất thể” còn tồn tại một số vấn đề thiếu sót nghiêm trọng. Bài báo nêu rõ, cơ hội thành công trong ba lĩnh vực chính của khái niệm về “tác chiến không hải nhất thể” là “làm mù, quét sạch các đầu mối chỉ huy, kiểm soát và áp chế các hệ thống phóng tên lửa của đối phương” là rất nhỏ. Nó còn phải đối mặt với những rủi ro lớn từ các cuộc tấn công của Trung Quốc, khiến xung đột leo thang không thể kiểm soát.
"Tác chiến không - hải nhất thể" dường như kém hiệu quả hơn việc siết chặt nguồn xuất - nhập khẩu của Trung Quốc. |
Mỹ sẽ áp dụng chiến lược "Kiểm soát xa bờ" đối phó với Trung Quốc?
Bài viết của TNI đưa ra cảnh báo “Tác chiến không - hải nhất thể” sẽ đem lại quá nhiều bất trắc, hiệu quả chưa rõ ràng nhưng hậu quả thì đã có thể lường trước được là rất thảm khốc. Vì vậy, Mỹ không nên áp dụng chiến lược phiên lưu và manh động do giới quân sự đưa ra.
TNI đưa ra kiến nghị, Washington nên dùng "Kiểm soát xa bờ" như là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay để đối phó với Bắc Kinh. Biện pháp này không mang tính chất công kích trực tiếp Trung Quốc, mà chỉ lợi dụng ưu thế địa lý để cản trở xuất, nhập khẩu thương mại, làm suy thoái nghiêm trọng nền kinh tế của Trung Hoa Đại lục.
Ưu điểm lớn nhất của chiến lược này là không phải mạo hiểm xuyên phá qua không phận trên biển và trên đất liền của Trung Quốc, giảm được nguy cơ xung đột leo thang thành chiến tranh hạt nhân.
Bài viết phân tích, chiến lược này có ưu thế lớn trong việc lợi dụng các điểm yếu của quân đội Trung Quốc vì ngoài chuỗi đảo thứ nhất, năng lực tác chiến của quân đội nước này giảm xuống rõ rệt. Mỹ có thể tuyên bố, mỗi vùng biển là một khu vực cấm hành trình, tàu thuyền qua lại vùng biển này sẽ bị bắt giữ hoặc đánh chìm.
Bằng cách ngăn cấm tàu vận tải hàng hóa và tàu dầu qua lại, Mỹ có thể nhanh chóng làm cho kinh tế Trung Quốc suy thoái nghiêm trọng. Đối với Trung Quốc, xuất, nhập khẩu là vấn đề rất quan trọng. Xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào những tàu chở container lớn, bởi vì phí vận chuyển thấp, mà những tàu thuyền này và cả các tàu chở dầu rất dễ bị đánh chìm.
Một chuyên gia Trung Quốc ngày 10/6 bình luận trên tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng, chính quyền Obama công khai tuyên bố họ không muốn gây trở ngại cho tàu thuyền tự do hải hành trên vùng biển quốc tế, nhưng hành động lại trái ngược khi công bố phong tỏa vùng biển giáp với Trung Quốc.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng ngạo mạn tuyên bố, dù là như vậy, chiến lược “Kiểm soát xa bờ” cũng không hề thuận lợi như Washington đã tưởng tượng. Mỹ có không ít các quốc gia đồng minh ở châu Á, nhưng đa số các quốc gia này không mấy hy vọng vào ô bảo hộ của Mỹ và không muốn “tự châm lửa đốt mình” vì lợi ích của Washington.
Hơn nữa, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, nếu như xuất, nhập khẩu của nước này bị ảnh hưởng sẽ phá hoại trật tự kinh tế toàn cầu hóa, Mỹ cũng không tránh khỏi thiệt hại, thậm chí nền kinh tế thế giới cũng không tránh khỏi những hậu quả nặng nề.
TNI nhận định, người Trung Quốc dường như đã đánh giá quá cao giá trị nền kinh tế của mình trong bối cảnh những hành động hung hăng của nước này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đầu tư vào thị trường Trung Quốc và đầu tư ra nước ngoài của doanh nhân nước này.
Một ví dụ điển hình là Nhật Bản. Trong năm 2013, Tokyo đã có những hành động quyết liệt đánh thẳng vào nền kinh tế của Trung Quốc như rút vốn đầu tư trực tiếp và chuyển dịch các cơ sở sản xuất của nước này từ Trung Quốc sang Myanmar và các nước láng giềng của Bắc Kinh, gây ra sự lo lắng rất lớn của các chuyên gia kinh tế nước này.
Nếu các nước lớn chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt, đồng loạt làm như Nhật, rút vốn đầu tư và chuyển các cơ sở sản xuất sang các nước láng giềng, hình thành một vòng cung kinh tế mở bao vây xung quanh một nền kinh tế bị phong tỏa của Trung Quốc.
Đồng thời các nước nhỏ, có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc chấp nhận mất một nguồn đầu tư, loại bỏ hoặc siết chặt quản lý các dự án đầu tư và đấu thầu quốc tế có yếu tố Trung Quốc thì Bắc Kinh khó có thể tiếp tục "tự kiêu".
Trái ngược với quan điểm của giới chức quân sự và những chính khách “diều hâu”, nhận định của giới học giả đưa ra rõ ràng là hợp lý hơn. Các đòn đánh “điểm huyệt” về kinh tế vừa hiệu quả hơn lại vừa hỗ trợ đắc lực cho các biện pháp chính trị và quân sự nên nó phải trở thành biện pháp chủ đạo.