Thông báo ngày 9/5 được đưa ra nhằm đáp lại một loạt các lo ngại sau khi giới chức nước này tuyên bố xem xét đề nghị dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến vaccine Covid-19 của phía Ấn Độ, Nam Phi và một số nước đang phát triển khác, theo Reuters.
Hôm 5/5, Tổng thống Joe Biden nêu quan điểm ủng hộ việc Mỹ tham gia đàm phán tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về vấn đề ngưng bảo hộ độc quyền vaccine như một biện pháp để thúc đẩy nguồn cung vaccine bằng cách cho phép các nước đang phát triển tự sản xuất.
Tổng giám đốc điều hành của Pfizer Albert Bourla hôm 7/5 cho biết đề xuất này sẽ làm gián đoạn tiến độ đạt được cho đến nay trong việc thúc đẩy nguồn cung cấp vaccine. “Điều này sẽ mở ra một cuộc tranh giành khốc liệt các nguyên liệu mà chúng tôi yêu cầu để tạo ra một loại vaccine an toàn và hiệu quả. Các nhà sản xuất có ít hoặc không có kinh nghiệm trong sản xuất vaccine có khả năng sẽ liên tục tìm kiếm những nguyên liệu này, khiến cho an ninh và an toàn trong sản xuất vaccine rơi vào nguy hiểm”, ông Albert Bourla cho hay.
Đề xuất dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến vaccine Covid-19 đến nay vẫn vấp phải sự phản đối của những nước có trụ sở các tập đoàn công nghiệp dược phẩm lớn. Ảnh: The Economic Times. |
Tại Mỹ, trong một bản tài liệu nội bộ được tiết lộ với Reuters, nhiều công ty và quan chức lo ngại động thái này sẽ cho phép Trung Quốc đi tắt trong lĩnh vực nghiên cứu và xói mòn lợi thế của Mỹ trong công nghệ dược phẩm sinh học.
Một quan chức cấp cao khẳng định trong khi ưu tiên của Washington là mạng sống con người, Mỹ “muốn kiểm tra kỹ ảnh hưởng của đề xuất đối với Trung Quốc và Nga nhằm đảm bảo rằng việc thông qua sẽ phù hợp với mục đích ban đầu”.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden tin rằng có thể giải quyết mối quan ngại này thông qua các cuộc đàm phán với WTO. Tuy nhiên, vẫn tồn tại các quan điểm trái ngược về cách giải quyết trong nội bộ Mỹ và dự kiến các cuộc đàm phán kéo dài hàng tháng.
Người phát ngôn của Nhà Trắng và văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ hiện chưa có bình luận về vấn đề này.
Một số nhà phân tích cho rằng việc thực thi các giới hạn trong sử dụng công nghệ điều chế vaccine có thể rất khó khăn. Messenger RNA - công nghệ sử dụng trong sản xuất vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna - là công nghệ sinh học mới được phát triển hứa hẹn cho các phương pháp điều trị khác ngoài vaccine trong tương lai.
Vaccine của Trung Quốc và Nga không sử dụng công nghệ sinh học này.
Cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gary Locke cho biết: “Pfizer và Moderna đã phải mất nhiều năm nghiên cứu để phát triển loại công nghệ này. Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và những nước khác đang muốn tiếp cận để có được bí quyết cơ bản nhằm phát triển các loại vaccine khác (bên cạnh vaccine Covid-19)”.
Cho đến nay, việc sản xuất vaccine vẫn đang áp đảo tại các quốc gia phát triển thuộc về các công ty dược phẩm lớn đã tạo ra 3 loại vaccine đầu tiên được Anh, EU và Mỹ ủy quyền: Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca. Tỷ lệ tiêm chủng tăng nhanh trong đầu năm 2021 đã giúp số ca mắc Covid-19 ở các quốc gia này có xu hướng giảm, trong khi ở 36 quốc gia đang phát triển khác thì lại tăng nhanh, đặc biệt tại Ấn Độ.