Mỹ hôm 26/10 cho biết đã thông qua việc bán 100 hệ thống phòng thủ bờ biển trị giá 2,4 tỷ USD cho Đài Loan, động thái chắc chắn khiến Bắc Kinh tức giận sau thỏa thuận tên lửa 1 tỷ USD giữa Washington và hòn đảo vào tuần trước.
Hệ thống Harpoon "sẽ giúp cải thiện an ninh của bên mua và hỗ trợ duy trì ổn định chính trị, cân bằng quân sự... và tiến bộ trong khu vực", Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một tuyên bố, theo AFP.
Thỏa thuận này bao gồm 100 Hệ thống Phòng thủ Bờ biển Harpoon (HCDS), bao gồm 400 tên lửa phóng từ mặt đất RGM-84L-4 Harpoon Block II có tầm bắn tối đa 125 km.
Tên lửa do Boeing sản xuất có thể được đặt trên bệ phóng cố định hoặc gắn trên xe.
Tên lửa Harpoon Block 1C được phóng đi từ tàu USS Coronado của Mỹ trong cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) vào tháng 7/2016. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Về mặt chính thức, Mỹ công nhận Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc theo chính sách mà Washington ủng hộ từ năm 1979. Song thực tế, Mỹ là nước ủng hộ lớn nhất của Đài Loan trên trường quốc tế và thường xuyên bán vũ khí cho hòn đảo tự trị, việc bị Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ.
Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc và không loại trừ khả năng can thiệp quân sự để thống nhất hòn đảo.
Hôm 21/10, Mỹ cho biết đã thông qua việc bán 135 tên lửa hành trình dẫn đường chính xác, phóng từ trên không AGM-84H SLAM-ER trị giá 1 tỷ USD. Không giống Harpoon, tên lửa này có tầm bắn lớn hơn chiều rộng của eo biển Đài Loan ngăn cách hòn đảo với Trung Quốc đại lục.
Ngoài ra, 2 hợp đồng vũ khí khác với Đài Bắc cũng được phê duyệt cùng ngày, nâng tổng giá trị giao dịch dự kiến lên đến 1,8 tỷ USD.
Các hợp đồng này, sau khi được Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt, sẽ được chuyển cho quốc hội thông qua.
Phản ứng sau vụ việc, Bắc Kinh hôm 26/10 tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Lockheed Martin, Boeing Defense cũng như các công ty Mỹ khác liên quan đến việc mua bán vũ khí.
Bắc Kinh đã gia tăng áp lực ngoại giao và quân sự với Đài Loan từ năm 2016, khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền tại hòn đảo. Đảng Dân Tiến của bà thúc đẩy việc không thừa nhận chính sách "Một Trung Quốc", khiến quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan trở nên căng thẳng.
Trong khi đó, dưới thời chính quyền Trump, Mỹ đã đưa Đài Loan vào cuộc cạnh tranh ngoại giao và kinh tế rộng lớn và khốc liệt hơn với Trung Quốc, cử nhiều phái đoàn cấp cao đến Đài Bắc và thúc đẩy các hợp đồng mua bán vũ khí với hòn đảo.