Các tay súng cực đoan thảm sát lực lượng an ninh Iraq trong những chiếc hố nông đào sẵn hồi tháng 6. Ảnh: Twitter |
IS nguy hiểm tới đâu?
Hôm 19/8, phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tung đoạn video ghi cảnh hành quyết man rợ nhà báo Mỹ James Foley kèm lời cảnh báo rằng, nhóm sẽ tiếp tục giết một nhà báo khác là Steven Sotloff nếu Mỹ tiếp tục hỗ trợ lực lượng cản đường sự bành trướng của chúng, CNN cho hay.
IS sẽ trở thành kẻ thù của bất cứ ai không thuộc tổ chức. Chúng giết hại những người dân tộc thiểu số, người Hồi giáo dòng Shiite và thậm chí những người Sunni không đồng quan điểm. IS là lực lượng đối chọi mạnh mẽ đối với phương Tây, Mỹ, thế giới hiện đại và bất cứ ai trái quan điểm.
IS không phải là tổ chức giết người với số lượng lớn. Chúng cũng không phải là lực lượng đầu tiên hành quyết những người không cùng quan điểm. Nhưng IS là nhóm thánh chiến đầu tiên công khai sự khát máu của chúng với sự thích thú và có phần hiệu quả như vậy.
Các thành viên của IS mang hộ chiếu châu Âu có thể di chuyển tự do trên khắp châu Âu và Mỹ với dã tâm thực hiện những điều không tưởng. IS đang nắm quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ rộng lớn tại hai quốc gia Trung Đông là Iraq và Syria, điều mà trước đây tổ chức Hồi giáo khét tiếng Al-Quaeda không thể thực hiện.
Nhóm thánh chiến cực đoan đã gây dựng "nhà nước tự xưng" và giành quyền thống trị không chỉ tại nhiều thành phố mà còn cả những mảnh đất giàu dầu mỏ. Chúng có thể "tự cung tự cấp" và thu về hàng triệu USD mỗi ngày từ hoạt động buôn lậu dầu. Nếu IS không bị tiêu diệt, chúng sẽ tiếp tục chiếm các khu vực dầu mỏ ở phía nam Iraq để từ đó biến những nơi này thành trung tâm sản xuất dầu khí và kinh tế toàn cầu.
IS từng tung nhiều video ghi cảnh hành quyết dã man người dân, binh sĩ của các chính phủ nhằm thông báo rằng chúng sẽ cai trị tất cả các tín đồ Hồi giáo trên thế giới. Đây cũng là cách chứng minh mục tiêu cuối cùng của chúng là chiếm các vùng đất rộng lớn tại châu Á, châu Âu và châu Phi.
Chính phủ Mỹ nên đối phó ra sao?
Binh sĩ Mỹ thực thi nhiệm vụ tại thành phố Mosul, miền bắc Iraq năm 2007. Ảnh: AP |
Theo CNN, hành động và những lời đe dọa của IS chính là thách thức trực tiếp đối với người dân Mỹ, chính phủ Mỹ và cộng đồng quốc tế. Nhóm thánh chiến cực đoan đang gửi một thông điệp ngày càng rõ ràng rằng: "Hãy tránh đường để chúng tôi có thể tiếp tục thực hiện mục tiêu".
Ngay sau vụ nhà báo Foley bị hành quyết, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định: "Mỹ sẽ làm mọi điều có thể để bảo vệ người dân. Cả thế giới kinh hoàng trước vụ giết người tàn ác".
Chính phủ Mỹ cần thực hiện nhiều bước quan trọng. Đầu tiên, Washington không thể nhượng bộ trước những lời đe dọa của IS. Mỹ cần phải tiếp tục hỗ trợ lực lượng người Kurd tại Iraq nhằm đánh bật IS khỏi miền bắc nước này. Mỹ cũng cần thúc đẩy nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ để có quyền hợp pháp trong việc hỗ trợ các chiến dịch chống IS.
Cách tốt nhất vào lúc này là Mỹ nên thực hiện chiến lược hỗ trợ người Kurds và người dân Iraq cả về vật chất và ngoại giao. Nếu biện pháp này không phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn làn sóng IS đẫm máu, khi đó người Mỹ có thể xem lại.
Ngoài ra, chính phủ Mỹ cần tìm kiếm sự đồng thuận của Liên Hợp Quốc trong việc thông qua một nghị quyết tuyên bố rằng, cộng đồng quốc tế, gồm cả thế giới Hồi giáo, cần xem IS và cách hành xử của tổ chức này là điều đáng ghê tởm.
Mẹ của nhà báo Foley cho biết cái chết của con trai bà đã cho cả thế giới thấy nỗi thống khổ của người dân Syria. Nỗi đau đó đang lan sang Iraq. Và nó sẽ còn phát triển mạnh hơn nếu IS không ngừng thực hiện tội ác.