Nhà báo James Foley quỳ trước lúc kẻ bịt mặt hành quyết anh. Ảnh: AP |
Giải cứu bất thành
CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, hàng chục thành viên của lực lượng biệt kích Delta và Đội 6 biệt kích hải quân SEAL đã thực hiện chiến dịch tìm kiếm, giải cứu phóng viên James Foley và những người khác nhưng bất thành.
Delta là lực lượng biệt kích tinh nhuệ hàng đầu của quân đội Mỹ. Họ thường đảm trách những nhiệm vụ nguy hiểm ở sâu trong lòng địch. Trong khi đó, Đội 6 biệt kích hải quân Mỹ SEAL nổi danh khắp thế giới sau khi diệt trùm khủng bố Osama bin Laden ở Pakistan vào năm 2011.
Chân dung nhà báo James Foley. Ảnh: Doha Centre. |
Theo thông tin Nhà Trắng mới công bố, lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiến hành chiến dịch giải cứu con tin hồi đầu tháng 7 bất thành bởi họ tới sai địa chỉ và họ không tìm thấy nơi giam giữ con tin.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, thiếu tướng hải quân John Kirby, hôm qua thừa nhận: “Thật đáng buồn khi nhiệm vụ giải cứu con tin của đặc nhiệm Mỹ thất bại”.
Trước đó, gia đình nhà báo Foley và tòa soạn báo Global Post, nơi anh làm việc, nhận nhiều thư điện tử của những kẻ bắt cóc. Chúng đòi tiền chuộc hoặc đưa ra yêu sách chính trị. Trong bức thư cuối cùng gửi một tuần trước, những kẻ bắt cóc đe dọa rằng chúng sẽ sát hại Foley.
Ngày 19/8, các tay súng IS tung đoạn clip với tiêu đề “Thông điệp gửi nước Mỹ” lên trang Youtube. Nội dung đoạn clip là cảnh hành quyết nhà báo James Foley cùng lời đe dọa tấn công người Mỹ bất cứ lúc nào và bất kể ở đâu.
Vụ hành quyết nhà báo Foley khiến cả thế giới chấn động. Trong một thông điệp gần đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi IS là “ung nhọt” đồng thời khẳng định Mỹ "tiếp tục đối đầu với chủ nghĩa khủng bố đầy hận thù nhằm thay thế nó bằng hy vọng và văn minh".
Đồng nghiệp kể về nhà báo bị hành quyết
Nhà báo Nicolas Henin của đài phát thanh France Info, Pháp cùng bị giam với James Foley ở miền bắc Syria. Tuy nhiên, Henin may mắn hơn khi được các tay súng cực đoan thả tự do trong tháng 4, sau hơn 7 tháng bị giam cầm. Nhà báo Pháp chưa một lần kể về đồng nghiệp người Mỹ Foley vì lo sợ thông tin anh tiết lộ sẽ gây nguy hiểm cho đồng nghiệp.
Henin cho biết các chiến binh IS chia con tin theo nhóm. Chúng giam Henin và Foley ở cùng phòng. Nhà báo Pháp nhớ lại: “Foley gặp rất nhiều khó khăn trong những ngày đầu bị bắt. Ơn chúa chúng tôi được giam chung phòng và đó là giai đoạn dễ dàng hơn với anh ấy”, Hanin nói.
Phóng viên Henin còn cho biết Foley bị bắt cóc bởi một nhóm chiến binh thánh chiến ở Syria. Khoảng 20 nhà báo bị các chiến binh của tổ chức này giam cầm. Hiện tại, một nhà báo người Mỹ khác là Austin Tice vẫn bặt vô âm tín. Tice biến mất ở Syria trong tháng 8/2012 nhưng người ta chưa nghe một thông tin nào về anh.
James Foley tác nghiệp ở những chiến trường nóng bỏng nhất thế giới. Ảnh: AFP |
Truy tìm manh mối
Các chuyên gia phân tích chống khủng bố của Mỹ và Anh đang xem xét từng khung hình của clip hành quyết nhà báo James Foley nhằm tìm ra manh mối về nơi vụ hành quyết xảy ra và những kẻ đứng sau đó. Một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ, giọng nói của kẻ hành quyết có nhiều nét tương đồng với một người Anh nên người ta đang rà soát hồ sơ dữ liệu để tìm những người Anh từng tới Syria.
Trong khi đó, vụ hành quyết công khai nhà báo Mỹ gợi nhớ vụ sát hại phóng viên Daniel Pearl của The Wall Street Journal năm 2002 ở Pakistan hay vụ tra tấn 3 người Mỹ là Nicholas Berg, Eugene Armstrong và Jack Hensley ở Iraq. Tuy nhiên, các tay súng IS đã thay thế vai trò của các chiến binh al-Qaeda trong vụ hành quyết man rợ.