Guardian nhận định lựa chọn mà nước Mỹ phải đối mặt đã được phơi bày trần trụi hôm 2/6, khi hai ông Donald Trump và Joe Biden đưa ra tầm nhìn hoàn toàn trái ngược cho một quốc gia đang bị rung chuyển bởi những cuộc biểu tình.
Tổng thống Trump đã đến thăm nhà thờ quốc gia Saint John Paul II ở Washington D.C sau khi đe dọa sẽ triển khai quân đội chống lại người biểu tình. Ông cũng bị các lãnh đạo nhà thờ chỉ trích vì sử dụng Kinh thánh làm đạo cụ chính trị.
Ông Biden, cựu phó tổng thống và gần như sẽ là ứng viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, có bài phát biểu mang màu sắc u ám tại tòa thị chính Philadelphia, cho thấy nước Mỹ đang đứng giữa một trong những ngã tư đường quan trọng nhất từ khi lập quốc.
Cảnh sát chống bạo động truy đuổi một người đàn ông trong lúc giải tán người biểu tình gần Nhà Trắng hôm 1/6. Ảnh: Reuters. |
Tiếng chuông thức tỉnh
Biểu tình nổ ra vì vụ George Floyd, một người đàn ông gốc Phi, thiệt mạng sau khi bị một cảnh sát da trắng ở thành phố Minneapolis dùng đầu gối ghì cổ anh xuống mặt đường trong vài phút, ngay cả khi anh ngừng cử động và van xin: "Tôi không thở được".
Những lời đó vẫn còn "vang vọng trên khắp đất nước này", ông Biden nói trong lần xuất hiện công khai nổi bật nhất của mình từ khi đại dịch virus corona buộc ông phải vận động tranh cử ở nhà.
"Chúng nói về một quốc gia nơi chuyện bạn gặp nguy hiểm chỉ vì màu da của mình xảy ra quá thường xuyên", ông nói.
"Chúng nói về một quốc gia nơi hơn 100.000 người đã mất mạng vì một con virus và 40 triệu người đã đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp - với số lượng người chết và mất việc làm tập trung ở các cộng đồng da đen và thiểu số một cách không cân xứng".
Ông nói thêm: "Đây là tiếng chuông thức tỉnh cho đất nước chúng ta. Cho tất cả chúng ta".
Ông Biden hứa hẹn về việc cải cách lực lượng cảnh sát để giải quyết tình trạng phân biệt chủng tộc có hệ thống. Ông cũng mạnh mẽ lên án ông Trump, người từ lâu đã gieo rắc sự phân biệt chủng tộc.
"Chúng ta có thể được tha thứ vì tin rằng tổng thống quan tâm đến quyền lực hơn nguyên tắc", ông nói, cho rằng ông Trump "là một phần của vấn đề, và đẩy nhanh nó".
Ông so sánh vị tổng thống với các quan chức phân biệt chủng tộc khét tiếng từ những năm 1960, nói thêm: "Tôi hứa với bạn điều này. Tôi sẽ không đánh vào nỗi sợ hãi và sự chia rẽ. Tôi sẽ không thổi lên ngọn lửa thù hằn. Tôi sẽ tìm cách chữa lành vết thương chủng tộc từ lâu đã làm đau khổ đất nước này - không sử dụng chúng cho mục đích chính trị".
Cựu phó tổng thống Joe Biden, người gần như sẽ là đề cử ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử 2020 tại Mỹ. Ảnh: AFP/Getty. |
Trước đó một ngày, ông Trump đe dọa các thống đốc bang rằng ông sẽ triển khai quân đội nếu họ không thể dập tắt các cuộc biểu tình. Nếu các thống đốc không sử dụng lực lượng Vệ binh Quốc gia với số lượng đủ để "chế ngự các đường phố", vị tổng thống cảnh báo, quân đội sẽ vào cuộc để "nhanh chóng giải quyết vấn đề cho họ".
Đảng Dân chủ chỉ trích đó là ngôn ngữ "độc tài".
Khoảng trống lãnh đạo tinh thần
Khi ông Trump phát biểu tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng vào tối 1/6, cảnh sát công viên Mỹ và lực lượng Vệ binh Quốc gia đã sử dụng vòi rồng và lựu đạn choáng để giải tán những người biểu tình ôn hòa và các nhà báo bên ngoài. Nhờ vậy, tổng thống Mỹ có thể đi bộ từ Nhà Trắng đến nhà thờ St John lịch sử, nơi đã bị hư hại bởi lửa và graffiti.
"Tổng thống đã cầm một cuốn Kinh thánh", ông Biden nói. "Tôi chỉ muốn ông ấy mở nó ra, dù chỉ một lần thôi, thay vì cầm nó vung vẫy".
Hình ảnh chụp tổng thống cũng khiến các lãnh đạo tôn giáo tức giận. Bà Mariann Edgar Budde, giám mục của Giáo phận Tân giáo Washington, nói với CNN: "Tôi rất phẫn nộ. Tổng thống đã không cầu nguyện khi ông đến St John, và cũng không thừa nhận nỗi thống khổ của đất nước chúng ta ngay lúc này".
Theo thống kê của AP, hơn 5.600 người trên toàn quốc đã bị bắt giữ trong tuần qua vì các hành vi phạm tội như trộm cắp, chặn đường cao tốc và bất tuân lệnh giới nghiêm, với ít nhất 9 người đã thiệt mạng.
Đêm 1/6 chứng kiến nhiều cuộc biểu tình ôn hòa bị chấm dứt bởi bạo lực ở Atlanta, Nashville, New York, Philadelphia và các thành phố khác. Một chiếc SUV lao vào một nhóm sĩ quan trong cuộc biểu tình ở Buffalo, làm 3 người bị thương, trong đó có một quân nhân bị gãy chân và nứt xương chậu. Siêu thị Macy's ở Manhattan là một trong số cơ sở kinh doanh bị cướp phá, hôi của.
Tình hình ở thành phố Minneapolis dường như đã hạ nhiệt sau khi anh trai của anh Floyd có lời kêu gọi hòa bình đầy cảm động tại nơi em trai chết. Cựu sĩ quan Derek Chauvin, người đặt đè đầu gối lên cổ anh Floyd, người khi đó đã bị còng tay và không vũ trang, đã bị truy tố tội giết người.
Tại Washington D.C, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, tướng Mark Milley, và Bộ trưởng Tư pháp William Barr đi trên đường phố Washington với máy bay trực thăng quân sự bay trên đầu. Hôm 2/6, ông Trump viết trên Twitter: "Đêm qua D.C không có vấn đề gì. Nhiều vụ bắt giữ. Tất cả đều đã làm việc thật tuyệt vời. Lực lượng áp đảo. Chế ngự. Minneapolis cũng thật tuyệt vời (cảm ơn Tổng thống Trump!)".
Ông Trump tự gọi mình là một người mạnh mẽ và là "tổng thống của luật pháp và trật tự", cho thấy trước chiến lược bầu cử của ông có thể sẽ khắc họa đối thủ Biden là mềm yếu đối với tội phạm. Năm 1968, Richard Nixon tranh cử với khẩu hiệu ứng viên của luật pháp và trật tự sau khi các vụ bạo loạn xảy ra vì vụ ám sát Martin Luther King Jr, đánh bại Hubert Humphrey để bước vào Nhà Trắng.
Ông Trump đi bộ từ Nhà Trắng, băng qua công viên Lafayette đến nhà thờ St John hôm 1/6. Ảnh: Reuters. |
Sử dụng chữ in hoa, ông Trump đăng một cụm từ mà ông Nixon đã làm cho phổ biến: "SILENT MAJORITY!" (đa số im lặng).
Vị tổng thống đã nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh đảng Cộng hòa. Thượng nghị sĩ Tom Cotton bang Arkansas viết trên Twitter: "Tình trạng vô chính phủ, bạo loạn và cướp bóc cần phải chấm dứt tối nay. Nếu lực lượng thực thi pháp luật địa phương bị áp đảo và cần chi viện, hãy xem những kẻ khủng bố Antifa này ngoan cố đến mức nào khi họ đối đầu với Sư đoàn Nhảy dù 101. Chúng ta không được khoan nhượng với sự phá hoại này".
Tại thủ đô Washington D.C đang bị chia rẽ sâu sắc, đảng Dân chủ đã cảnh báo về khoảng trống lãnh đạo tinh thần.
Bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện, hôm 2/6 nói: "Chúng tôi hy vọng rằng tổng thống Mỹ sẽ theo bước rất nhiều tổng thống khác trước ông để trở thành một thủ lĩnh hàn gắn, và không phải là người thổi bùng ngọn lửa".
Tình trạng bất ổn vì cái chết của George Floyd đã làm rung chuyển một quốc gia đang gặp khủng hoảng sau sự bùng phát của virus corona và đóng băng kinh tế, khiến 105.000 người chết và hơn 41 triệu người đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp.