Tổng thống Donald Trump hôm 2/6 đã tăng áp lực lên các thống đốc và yêu cầu họ dập tắt tình trạng bạo lực sau một tuần liên tiếp nước Mỹ chìm trong các cuộc biểu tình. Ông Trump cũng yêu cầu New York điều động Vệ binh Quốc gia để ngăn chặn “những kẻ hạ lưu và kém cỏi”, theo AP.
Ngày càng nhiều cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra trên khắp các thành phố Mỹ, bao gồm cả Washington D.C. Mỗi khi đêm xuống, bạo lực lại bùng phát.
Tổng thống Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania Trump thăm nhà thờ Giám nhiệm St. John Paul II vào ngày 2/6. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, Tổng thống Trump đã nhắc lại các yêu cầu cứng rắn của mình và đe dọa sẽ đưa quân đội đến để khôi phục trật tự nếu các thống đốc không làm điều đó.
“THÀNH PHỐ NEW YORK, HÃY GỌI VỆ BINH QUỐC GIA”, ông Trump viết trên Twitter. “Những kẻ hạ lưu và kém cỏi đang phá hủy thành phố này. Hãy hành động nhanh chóng! Đừng mắc phải sai lầm khủng khiếp và chết người như với viện dưỡng lão!!!”.
Nước Mỹ rơi vào bạo lực và hỗn loạn
Một ngày sau cuộc đàn áp những người biểu tình ôn hòa gần Nhà Trắng, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung cách nơi này một dãy nhà. Họ đối mặt với lực lượng hành pháp qua hàng rào lưới màu đen. Hàng rào này đã được dựng lên qua đêm để chặn lối vào công viên Lafayette, công viên đối diện Nhà Trắng ở bên kia đường.
“Chuyện đêm qua làm tôi không chịu được nữa”, cô Jessica DeMaio, 40 tuổi, ở Washington, nói với AP. Hôm 2/6 là lần đầu tiên bà DeMaio tham dự một cuộc biểu tình. “Ra đây thì tốt hơn là ở nhà và cảm thấy bất lực”.
Biểu tình cũng nổ ra tại Houston, St. Paul, Minnesota và Orlando, Florida. Hơn 1.000 người tập trung vào buổi chiều ở Orlando để phản đối những vụ giết người da đen.
Ở New York, hàng loạt cửa hàng bị đập phá phía trước ở khu Midtown Manhattan. Một trung sĩ cảnh sát cũng phải nhập viện sau khi bị một chiếc ôtô đâm vào ở khu vực Bronx.
Khách bộ hành đi qua đống đổ nát và cháy rụi của cửa hàng rượu Minnehaha gần phân khu cảnh sát số 3 tại thành phố Minneapolis vào ngày 2/6. Ảnh: AP. |
Cảnh sát New York đã bắt giữ gần 700 người. Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cũng mở rộng lệnh giới nghiêm vào 20h ra cả tuần.
“Chúng tôi ta sẽ có một vài ngày khó khăn”, ông de Blasio cảnh báo. Ông nói thêm: “Chúng ta sẽ dập tắt được tình trạng này”. Ông de Blasio cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo cộng đồng đứng ra và “xây dựng hòa bình”.
Hơn 20.000 Vệ binh Quốc gia đã được huy động tại 29 bang để đối phó với bạo lực. Tuy nhiên, New York không nằm trong số này. Ông De Blasio nói rằng ông không muốn điều động Vệ binh Quốc gia. Hôm 2/6, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã gọi những gì đã xảy ra trong thành phố là “một sự ô nhục”.
“Sở cảnh New York (NYPD) và Thị trưởng de Blasio đêm qua không làm tốt việc của họ”, ông Cuomo nói trong một cuộc họp báo ở Albany.
Ông Cuomo nói rằng Thị trưởng de Blasio đã xem nhẹ vấn đề này và NYPD, lực lượng cảnh sát lớn nhất nước Mỹ, không được triển khai đủ, mặc dù thành phố New York nói đã tăng gấp đôi sự hiện diện của cảnh sát.
Các cuộc biểu tình ngày 1/6 đánh dấu đêm thứ bảy liên tiếp tình trạng bất ổn diễn ra trên khắp nước Mỹ.
Tại Atlanta, bang Georgia, cảnh sát đã bắn hơi cay vào người biểu tình. Tại Nashville, hơn 60 thành viên Vệ binh Quốc gia đã hạ lá chắn bạo loạn của họ theo yêu cầu của những người biểu tình ôn hòa. Trong một cuộc biểu tình ở Buffalo, New York, một chiếc SUV đã lao vào một nhóm sĩ quan và làm ba người bị thương.
Một sĩ quan bị bắn và bị thương nặng khi cảnh sát cố gắng giải tán đám đông bên ngoài một khách sạn và sòng bạc ở Las Vegas. Bốn sĩ quan khác cũng bị bắn ở St. Louis, bang Missouri.
Các quan chức Philadelphia cho biết trong đêm 1/6, tình trạng ở đây cũng rất hỗn loạn. Một người đã thiệt mạng khi cố gắng sử dụng chất nổ để mở máy ATM. Chủ cửa hàng súng đã bắn chết một tên trộm và một thanh niên 19 tuổi chết vì bị thương trong khi cướp bóc.
Khoảng một chục trường hợp thiệt mạng khác đã được ghi nhận trên khắp nước Mỹ trong tuần qua. Gần 8.000 người trên cả nước đã bị bắt vì các hành vi phạm tội như ăn cắp, chặn đường cao tốc và vi phạm lệnh giới nghiêm, theo số liệu của AP.
“Chúng ta đã ngồi trên thùng thuốc súng trong một thời gian và giờ nó đã nổ tung”, Ủy viên cảnh sát của Philadelphia Danielle Outlaw nói.
Một số người biểu cho rằng phong trào vừa bùng phát là một điều cần thiết sau một loạt vụ giết người của cảnh sát.
“Tôi lo sợ cho sự an toàn của mình mỗi khi lái xe. Tôi sợ bị cảnh sát gọi vào. Tôi lo sợ cho tính mạng của cả 10 anh em của tôi”, cô Amari Burroughs, 19 tuổi ở Parkland, Florida, nói với AP trong khi chuẩn bị cho một cuộc biểu tình khác hôm 2/6.
“Mục tiêu của tôi là sử dụng lời nói và khả năng lãnh đạo của mình để làm cho thế giới này an toàn hơn. Một ngày nào đó, tôi có thể đưa con mình đến đây và không phải lo sợ cho sự an toàn của chúng”, cô cho biết.
Bên ngoài Tòa nhà Nghị viện Minnesota ở St. Paul, nơi giới trẻ biểu tình hôm 2/6, anh Joseph Tawah, 18 tuổi, cũng đồng ý với điều này.
“Rất khó để không cảm thấy sợ hãi”, anh Tawah nói.
Cách tốt nhất là tránh xa bạo lực
Trong khi đó, các thống đốc và thị trưởng của cả hai đảng đã bác bỏ lời đe dọa cử quân đội đến của ông Trump. Một số người nói rằng quân đội là không cần thiết còn những người khác đặt câu về thẩm quyền làm như vậy của chính phủ. Họ cũng cảnh báo rằng đây là động thái nguy hiểm.
“Denver không phải là Little rock vào năm 1957 và ông Trump cũng không phải tổng thống Eisenhower. Đây là thời gian để hàn gắn và gắn kết mọi người lại với nhau. Cách tốt nhất để bảo vệ các quyền dân sự là tránh xa bạo lực”, Thống đốc Colorado Jared Polis và Thị trưởng Denver Michael Hancock tuyên bố, đề cập đến việc ông Eisenhower sử dụng quân đội để buộc trường học ở miền Nam chấm dứt sự phân biệt chủng tộc.
Một quan chức cấp cao giấu tên của Nhà Trắng nói rằng ông Trump không vội vã cử quân đội đến. Mục tiêu của ông Trump là gây áp lực để các thống đốc điều động thêm Vệ binh Quốc gia.
Nếu quân đội được điều động, đây sẽ là hành động can thiệp hiếm thấy của chính quyền liên bang trong lịch sử Mỹ hiện đại.
Người biểu tình phản đối cái chết của George Floyd với lá cờ Mỹ lộn ngược vào ngày 2/6 gần Nhà Trắng ở Washington. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, Minnesota đã mở một cuộc điều tra xem liệu Sở Cảnh sát Minneapolis có hành vi phân biệt đối xử đối với nhóm thiểu số hay không. Ông George Floyd, một người Mỹ da đen, qua đời ngày 25/5 sau khi sĩ quan da trắng Derek Chauvin ở thành phố Minneapolis ấn đầu gối vào cổ ông trong vài phút.
Chauvin đã bị buộc tội giết người. Tổng chưởng lý bang Minnesota Keith Ellison cho biết các công tố viên đang làm việc nhanh nhất có thể để xác định xem ba sĩ quan khác tại hiện trường có nên bị buộc tội hay không. Cả bốn người đã bị sa thải.
Các thành phố Mỹ phải vất vả để giữ cho lực lượng cảnh sát cư xử đúng mực và tránh các trường hợp dùng vũ lực quá mức trong các cuộc biểu tình.
Cảnh sát trưởng ở Louisville, bang Kentucky, đã bị sa thải sau khi một chủ nhà hàng bị cảnh sát và các thành viên Vệ binh Quốc gia thi hành lệnh giới nghiêm giết. Tại Richmond, cảnh sát trưởng cho biết các sĩ quan xịt hơi cay vào một nhóm người biểu tình ôn hòa sẽ bị kỷ luật. Tại Atlanta, sáu sĩ quan đã bị buộc tội sau khi một đoạn video cho thấy họ kéo hai thanh niên ra khỏi xe trong các cuộc biểu tình.