Đô đốc Harry B.Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đứng cạnh bức ảnh chụp một hòn đảo do Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AP |
Hôm 12/10, Thượng nghị sĩ Philippines - ông Antonio F. Trillanes IV - cho hay Manila đã nhận thông báo về quyết định của Mỹ trong việc tuần tra theo kế hoạch ở khu vực gần đảo nhân tạo phi pháp do Trung Quốc xây ở Biển Đông. Ông Trillanes hoan nghênh sự thay đổi trong chính sách của Washington, New York Times đưa tin.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - ông Ashton B. Carter - và Ngoại trưởng John Kerry đã lên kế hoạch gặp gỡ quan chức Australia - một trong những đồng minh thân cận nhất của Washington trong hai ngày 12 và 13/10 tại thành phố Boston. Tại đây, hai nước sẽ thảo luận về kế hoạch tuần tra của Mỹ. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương - Đô đốc Harry B. Harris Jr. - dự kiến cũng tham dự cuộc họp này.
Cố vấn cấp cao về Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia, Daniel Kritenbrink, nói với nhóm các nhà phân tích Mỹ tại một cuộc họp ở Washington sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rời Mỹ rằng, Nhà Trắng đã quyết định thực hiện các chuyến tuần tra gần đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây ở Biển Đông. Thông tin này do một thành viên giấu tên tham dự họp kín tiết lộ.
Theo ông Kritenbrink, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đều tán thành kế hoạch. Tuy không nói rõ thời điểm Mỹ tiến hành tuần tra, ông cho rằng kế hoạch bị trì hoãn bởi Washington không muốn gián đoạn chuyến thăm Mỹ của ông Tập.
Chính quyền Barack Obama và các đồng minh của Mỹ ở châu Á đã tranh luận về thời gian của kế hoạch tuần tra sao cho đạt hiệu quả tốt nhất trước các động thái của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Một số nước hối thúc Mỹ thực hiện các chuyến tuần tra để khiến Trung Quốc chùn bước. Trong khi đó, nhiều ý kiến lo ngại Bắc Kinh có thể dùng hoạt động tuẫn tiễu để biện minh cho việc tăng cường quân sự của họ.
Ngoại trưởng Philippines - Albert F. del Rosario - nói rằng việc Mỹ điều tàu chiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây sẽ giúp duy trì sự ổn định của khu vực.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, ông Ng Eng Hen, nói rằng Mỹ có quyền bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực. Nhưng khi được hỏi liệu Washington có nên tuần tra gần các đảo trái phép do Trung Quốc xây ở Biển Đông hay không, ông nói: "Chúng tôi kêu gọi các bên thận trọng. Nếu sự cố xảy ra, đó là chuyện không hay đối với khu vực".
Mỹ sẽ luôn hiện diện ở vùng biển quốc tế
Trung Quốc xây dựng công trình trái phép trên đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: IHS Jane’s Defense |
Hải quân Mỹ đang đẩy mạnh các kế hoạch điều tàu chiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc lấn đất trên Biển Đông, Washington Post dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói.
Khi phóng viên hỏi về kế hoạch trên, người phát ngôn Hải quân Mỹ William Marks cho hay ông không thể thảo luận về các dự định trong tương lai nhưng khẳng định Hải quân "sẽ tiếp tục hoạt động trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông, phù hợp với các quy định hàng hải quốc tế".
Ông cũng nói rằng Mỹ sẽ hoạt động ở vùng biển vào "bất cứ khi nào chúng tôi muốn".
Trang Navy Times (Mỹ) ngày 7/10 đưa tin, tàu hải quân Mỹ sẽ tiến vào trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc lấn đất trên Biển Đông, sau khi có phê chuẩn chính thức từ chính quyền.
Navy Times nhận định, các dự án cải tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông trở thành nguồn cơn căng thẳng và đặt ra mối đe dọa với tự do hàng hải khu vực. Kế hoạch đưa tàu và máy bay vào 12 hải lý đã được Mỹ thông báo từ tháng 5 năm nay nhưng đến giờ chưa được triển khai.
Nếu được phê chuẩn, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 2012 Hải quân Mỹ chính thức thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.