Vụ Trung Quốc thu giữ tàu lặn không người lái của Mỹ đang hoạt động ở vùng biển quốc tế tuy không phát sinh sự cố ngoại giao đáng tiếc nhưng phát đi tín hiệu về một cuộc chạy đua mới, cuộc chạy đua dưới mặt nước giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong một động thái nhằm chiếm ưu thế dưới mặt nước, Hải quân Mỹ thông báo kế hoạch mở rộng đội tàu lặn không người lái tinh vi nhằm tăng cường khả năng thu thập dữ liệu đại dương.
“Chúng tôi có khoảng 130 tàu lặn dưới nước, chúng không hề đắt tiền”, Chuẩn đô đốc Tim Gallaudet, chỉ huy Cơ quan Khí tượng Hải quân, nói với Defense Systems sau khi Trung Quốc trả lại tàu lặn thu giữ của Mỹ.
“Hải quân Mỹ không chỉ tiếp tục sử dụng các công nghệ để nâng cao hiểu biết dưới lòng đại dương mà còn tăng cường số lượng tàu lặn dưới nước có công nghệ tinh vi trong tương lai để những am hiểu về đại dương phục vụ tốt nhất cho thế giới”, ông cho biết thêm.
Cơ chế hoạt động của tàu lặn không người lái dưới nước. Đồ họa: Dcs |
Vị Chuẩn đô đốc nhấn mạnh, con người mới chỉ thăm dò được 5% số đại dương trên thế giới. Đó là lý do để Hải quân Mỹ sử dụng các robot dưới nước, cho phép khám phá nhanh và nhiều hơn các đại dương với chi phí thấp.
Các thông tin thu được cho phép Hải quân Mỹ dự báo tốt hơn sự di chuyển của các dòng hải lưu, mật độ, trạng thái biển và thủy triều. Đó là những yếu tố giúp Hải quân Mỹ hoạt động an toàn và hiệu quả trên toàn thế giới.
Một tàu lặn không người lái sau khi triển khai có thể thu thập dữ liệu đại dương trong nhiều tháng. Hải quân Mỹ bắt đầu sử dụng tàu lặn không người lái từ những năm 1990 với sự tài trợ của Phòng Nghiên cứu Hải quân (ORN).
Tàu lặn dưới nước có thiết kế kiểu module, nó có thể thu thập dữ liệu hải dương học trong 4 tháng mà không cần động cơ đẩy. Chúng được chế tạo bởi tập đoàn Teledyne Webb và được bán theo hình thức thương mại. Quan chức Hải quân Mỹ cho biết, tàu lặn mà Trung Quốc thu giữ sau đó trả lại là Slocum G2.
Hải quân Mỹ cho hay đang ưu tiên phát triển các tàu lặn loại nhỏ sử dụng pin li-ion có thể sạc nhiều lần cùng thuật toán mới cho việc thu thập dữ liệu và điều khiển học. Ngoài ra, Hải quân Mỹ dự định kết nối các phương tiện không người lái dưới nước thành một mạng lưới thống nhất.
Tàu lặn có kích thước tương đương quả ngư lôi chứa các hệ thống cảm biến dùng cho nhiệm vụ thu thập dữ liệu đại dương. Tàu lặn ứng dụng nguyên lý thay đổi trọng lượng so với nước biển để nổi lên hoặc lặn xuống từ đó lướt đi trong nước mà không cần động cơ đẩy.
Giải pháp này giúp tàu tiêu tốn rất ít nhiên liệu cho phép hoạt động trong thời gian dài. Tàu lặn có thể thu thập dữ liệu đại dương ở độ sâu hàng nghìn mét. Tuy nhiên, công nghệ liên lạc dưới nước đang gặp phải một số giới hạn nhất định.