Đánh giá trên được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra một ngày sau khi cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cho biết, họ có "những bằng chứng” cho thấy Bình Nhưỡng đã kích hoạt một lò phản ứng hạt nhân tại tổ hợp Yongbyon nhằm phục hồi plutonium từ nhiên liệu đã qua sử dụng.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho hay, Washington đang lo ngại trước việc Triều Tiên nỗ lực tái chế plutonium. Tuy nhiên, ông không nói rõ Washington sẽ phản ứng ra sao trước sự việc.
"Họ lấy nhiên liệu đã qua sử dụng từ các lò phản ứng 5 megawatt ở Yongbyon, để nguội và sau đó đưa chúng tới các cơ sở tái chế. Đó là nơi họ thu được plutonium dùng cho vụ thử hạt nhân trước đó. Họ đang lặp lại quá trình này", quan chức cho biết.
Triều Tiên bị nghi tái khởi động nhà máy plutonium của nước này ở Yongbyon nhằm phục vụ việc chế tạo vũ khí nguyên tử. Ảnh: Reuters |
Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano hôm qua cũng khẳng định cơ quan này nhận thấy dấu hiệu Bình Nhưỡng đã tái chế plutonium ở khu phức hợp Yongbyon. Hoạt động tái chế bao gồm chiết xuất plutonium từ nhiên liệu lò phản ứng đã qua sử dụng. Đây là cách tạo nhiên liệu để sản xuất bom hạt nhân hiệu quả hơn là làm giàu uranium.
Những diễn biến mới nhất cho thấy Triều Tiên đang cố gắng đảm bảo nguồn cung cấp ổn định cho việc sản xuất đầu đạn hạt nhân, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 hồi tháng 1.
Năm 2013, Bình Nhưỡng tuyên bố tái khởi động tất cả các cơ sở hạt nhân, bao gồm cả các lò phản ứng chính và nhà máy nhỏ hơn ở Yongbyon từng bị đóng cửa vào năm 2007, như một phần trong thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân đề đổi viện trợ quốc tế.