Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/8 nhấn mạnh nước này đặc biệt quan ngại Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào các hoạt động dầu khí từ trước đến nay của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Điều này làm dấy lên nhiều nghi ngại về cam kết của Trung Quốc, trong đó có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc, đối với giải quyết hòa bình tranh chấp hàng hải.
"Động thái leo thang của Trung Quốc"
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng việc Trung Quốc tái triển khai tàu thăm dò của chính phủ, được hộ tống với tàu có vũ trang, ở ngoài khơi Việt Nam vào ngày 13/8 là "một động thái leo thang". Washington lo ngại động thái này là "nỗ lực nhằm hăm dọa các bên còn lại không phát triển tài nguyên trên Biển Đông".
Trong những tuần vừa qua, Trung Quốc thực hiện hàng hoạt bước đi hung hăng can thiệp vào các hoạt động kinh tế đã được thừa nhận và lâu dài của các bên thuộc ASEAN, nhằm cưỡng ép các nước vừa từ chối quan hệ đối tác với những công ty dầu khí nước ngoài, vừa chỉ làm việc với các công ty quốc doanh của Trung Quốc. Trong trường hợp Bãi Tư Chính, Trung Quốc đang tạo áp lực với Việt Nam liên quan đến hợp tác cùng một công ty năng lượng Nga và các đối tác quốc tế khác.
Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8. Ảnh: Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc. |
Những hành động của Trung Quốc làm suy yếu hòa bình và an ninh khu vực, gây ra thiệt hại kinh tế đối với các nước Đông Nam Á bằng cách chặn quyền tiếp cận của họ với nguồn tài nguyên chưa được khai thác trị giá gần 2.500 tỷ USD. Điều này cho thấy Trung Quốc không tôn trọng quyền lợi của các nước được tiến hành hoạt động kinh tế ở EEZ, trong khuôn khổ Công ước về Luật Biển 1982 vốn đã được Trung Quốc phê chuẩn vào năm 1996.
Các công ty Mỹ dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực thăm dò và khai thác tài nguyên dầu khí, trong đó có khai thác xa bờ và tại Biển Đông. Mỹ kịch liệt phản đối mọi nỗ lực của Trung Quốc nhằm đe dọa và cưỡng ép các nước đối tác không hợp tác với những công ty không thuộc Trung Quốc, hoặc hành động quấy rối các hoạt động hợp tác này. Mỹ cam kết thúc đẩy an ninh năng lượng của các đối tác và đồng minh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như đảm bảo sản lượng dầu và khí đốt khu vực không bị ngắt quãng trên thị thường toàn cầu.
Yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu
Trước đó, hôm 20/8, ông John Bolton, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, viết trên Twitter rằng: "Những nỗ lực leo thang gần đây của Trung Quốc nhằm đe dọa các bên khác từ bỏ hoạt động khai thác tài nguyên ở Biển Đông là đáng lo ngại".
"Mỹ kiên quyết đứng về phía những bên chống lại hành vi cưỡng ép và các thủ đoạn bắt nạt đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực", ông Bolton nói thêm.
Tại họp báo chiều 22/8, trả lời câu hỏi về việc tàu Hải Dương 8 quay lại hoạt động tại vùng biển Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu: “Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành vi vi phạm và rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Bà Hằng cũng yêu cầu phía Trung Quốc "không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như ở khu vực".
Bà Hằng cho biết các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi pháp luật và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn muốn giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bà cũng đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế lên tiếng ủng hộ Việt Nam, thúc đẩy “tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông”.