Tại họp báo chiều 22/8, trả lời câu hỏi về việc tàu Hải Dương 8 quay lại hoạt động tại vùng biển Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu: “Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành vi vi phạm và rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Bà Hằng cũng yêu cầu phía Trung Quốc "không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông cũng như ở khu vực".
Bà Hằng cho biết các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi pháp luật và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn muốn giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bà cũng đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế lên tiếng ủng hộ Việt Nam, thúc đẩy “tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Việt Linh. |
Trước đó, ngày 16/8, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết tàu khảo sát Hải Dương 8 và các tàu hộ tống Trung Quốc đã quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của VN từ hôm 13/8.
Trong tuyên bố ngày 16/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”.
Việt Nam “đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam”, bà Hằng cho biết.
Tàu Hải Dương 8 đã rời khỏi khu vực hôm 7/8 sau khi có mặt tại đây từ đầu tháng 7, nhưng đã quay lại vào hôm 13/8 với một số tàu hải cảnh hộ tống.
Nhiều nhà quan sát cho rằng tàu này rời đi trong thời gian ngắn là để tiếp nhiên liệu, sau khi các tàu này được ghi nhận là đã đến khu vực Đá Chữ Thập, đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.