Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các quốc gia cần hợp tác chặt chẽ hơn để đối phó các hành vi của TQ

Chuyên gia CSIS cho rằng Trung Quốc có thể đang tìm cách đánh lạc hướng sự quan tâm khỏi những vấn đề trong nước và quốc tế mà nước này phải đối mặt.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 16/8 đã lên tiếng phản đối việc tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc và các tàu hộ tống quay trở lại khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Bãi Tư Chính.

“Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ

Người phát ngôn cũng nhấn mạnh: “Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế".

Trung Quoc xam pham vung dac quyen kinh te anh 1
Việt Nam phản đối việc tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ảnh: Cục Hải sự Trung Quốc.

Sẵn sàng leo thang căng thẳng ở Biển Đông

Trả lời Zing.vn về những động thái ngang ngược mới nhất của nhóm tàu Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho rằng Bắc Kinh rõ ràng muốn leo thang căng thẳng ở Biển Đông bất chấp những thách thức trong nước và quốc tế.

“Hoặc có lẽ bởi vì họ đang đối mặt với những thách thức đó, có thể Bắc Kinh đang đẩy vấn đề  nhằm đánh lạc hướng sự quan tâm khỏi những vấn đề khác mà nước này đang phải đối mặt ngay trong thời điểm hiện tại”, ông Hiebert nhìn nhận.

Theo quan điểm của chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á, Trung Quốc đang tìm cách cản trở các hoạt động thăm dò của Rosneft đang được thực hiện gần bãi Tư Chính.

Trung Quoc xam pham vung dac quyen kinh te anh 2
Ông Murray Hiebert, chuyên gia tại chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á tại CSIS (Washington D.C., Mỹ). Ảnh: CSIS.

“Vào năm 2017 và 2018, Bắc Kinh đã gây sức ép khiến Repsol từ bỏ hoạt động tại hai block gần đó. Nay Trung Quốc siết chặt sức ép bằng cách quấy rối tàu của Rosneft. Trung Quốc dường như đang tiến tới chặn tất cả các hoạt động dầu khí và khí đốt bên trong đường chín đoạn”, ông Murray vạch trần tham vọng sai trái của Bắc Kinh.

“Bắc Kinh không có kế hoạch từ bỏ mục tiêu biến khu vực trong đường chín đoạn thành cái hồ của Trung Quốc, nơi các nước khác chỉ được hoạt động nếu có thỏa thuận với Bắc Kinh. Mục đích của Trung Quốc là từng bước một làm nản lòng các bên phản đối và chỉ trích”.

Hợp tác chặt chẽ hơn để đối phó hành vi của Trung Quốc

Không chỉ đưa tàu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc cũng có những hành động tương tự đối với Philippines và Malaysia vào lúc này.

Tại Philippines, tàu của Trung Quốc có hành vi quấy rối ngư dân, trong khi ở Malaysia, họ cũng đang quấy rối các tàu thăm dò dầu khí, tương tự cách họ đang xử sự với Việt Nam. “Trung Quốc đang đẩy mạnh áp lực để dồn ép các bên khác vào đòi hỏi của họ rằng nguồn hydrocarbon và sinh vật biển bên trong đường chín đoạn là thuộc về Trung Quốc”, ông Murray nói.

Đồng quan điểm, bà Elena Bernini, Giám đốc điều hành Oxford Omnia International, nhận định Malaysia, Việt Nam, Philippines và các nước ASEAN khác đều đang phải chịu đựng những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

“Những quốc gia bị bắt nạt có thể hình thành một liên minh mạnh mẽ hơn và hợp tác với các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU)”, nữ chuyên gia từng hợp tác với Viện Luật Hàng hải Quốc tế (của Liên Hợp Quốc) nhận định.

Theo phân tích của bà Bernini, việc theo đuổi một lập trường mạnh hơn đối với Trung Quốc sẽ khó hơn với Philippines và Malaysia bởi những ảnh hưởng về kinh tế và chính trị của Bắc Kinh đối với hai nước này, trong khi đó Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng bày tỏ lập trường mạnh mẽ với Trung Quốc.

“Tất cả các nước ASEAN bị bắt nạt cũng nên dùng đòn bẩy của chính sách cứng rắn hơn mà Mỹ đang triển khai đối với Trung Quốc. Một điều nữa là, luật pháp quốc tế cần được duy trì và các hoạt động tự do hàng hải nên được đảm bảo”, bà Bernini nói.

Biển Đông sẽ phủ bóng thượng đỉnh Đông Á và G20

Về phản ứng của Mỹ, chuyên gia CSIS Hiebert cho rằng Washington có thể thúc đẩy các nước khác như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Australia… đưa ra các tuyên bố phản đối hành động của Trung Quốc tại khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

“Washington có thể nêu vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Thái Lan vào tháng 11 và tại cuộc họp của các lãnh đạo G20 sắp tới”.

Cho tới nay, phía Mỹ đã có những phản ứng kiên quyết đối với hành động ngang ngược của Trung Quốc ở khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trong hai ngày 18-19/8, tướng David L. Goldfein, tham mưu trưởng Không quân Mỹ, và tướng Charles Q. Brown Jr., Tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, có chuyến thăm Việt Nam và cả hai đều "phản đối mạnh mẽ các hoạt động gây ảnh hưởng và thách thức những quyền lợi chính đáng cũng như chủ quyền của Việt Nam trong khu vực".

Tướng Goldfein cũng nói Mỹ tôn trọng các quyết định, hành động của Việt Nam để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình. Ông cho biết Mỹ sẽ tiếp tục quan sát các diễn biến sắp tới trong khu vực và có những động thái phù hợp.

Về phản ứng của Mỹ trong trường hợp căng thẳng leo thang, tướng Goldfein nói rằng lực lượng quốc phòng Mỹ sẽ đưa ra các phương án để các lãnh đạo, chính trị gia đưa ra quyết định dựa trên những đề xuất của họ. Ông lưu ý rằng những phương án đó sẽ được trao đổi với Việt Nam và phù hợp với lợi ích hợp pháp của các nước trong khu vực.

Trong thông cáo đưa ra hôm 26/7, Hạ nghị sĩ Eliot Engel của bang New York, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ chỉ rõ: "Sự hung hăng gần đây ở Biển Đông là minh chứng đáng lo ngại về một quốc gia công khai coi thường luật pháp quốc tế. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, các hành động của Trung Quốc đã cấu thành việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của Việt Nam trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ)".

"Cũng quan trọng không kém, hành vi của Trung Quốc đã đe dọa lợi ích của các công ty Mỹ hoạt động ở khu vực".

Trung Quoc xam pham vung dac quyen kinh te anh 3
Hạ nghị sĩ Eliot Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ. Ảnh: AP.

"Kể từ khi những thông tin xuất hiện hồi tuần trước về việc tàu thăm dò dầu khí của Trung Quốc đã đi vào EEZ của Việt Nam, Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu tàu Trung Quốc rời đi, nhưng Trung Quốc cố tình phớt lờ. Kiểu quấy rối này là mối đe dọa với Việt Nam, và là bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bắt nạt các nước láng giềng", tuyên bố của Ủy ban Đối Ngoại Hạ viện Mỹ nêu rõ.

"Những sự cố như thế này chứng tỏ Trung Quốc đã ngang nhiên coi thường luật pháp và ngoại giao quốc tế".

Phản đối TQ đưa tàu quay lại, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của VN

Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối việc tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Ấn Độ đóng 12 tàu tuần tra cao tốc để VN bảo vệ an ninh chủ quyền biển

Ngày 14/8, tại xưởng đóng tàu Kattupalli của tập đoàn Larsen & Toubro bang Tamil Nadu, Ấn Độ, đã diễn ra lễ khởi công dự án đóng 12 tàu tuần tra cao tốc (HSGB) cho Việt Nam.

Đỗ Quyên

Bạn có thể quan tâm