Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ lên án các tội danh nhắm vào bà Aung San Suu Kyi

Mỹ đang dẫn đầu động thái của cộng đồng quốc tế kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi sau khi nhà lãnh đạo này bị bắt vào ngày 1/2 và bị buộc tội.

Mỹ bày tỏ "quan ngại" với các cáo buộc phạm tội nhắm vào bà Aung San Suu Kyi.

"Chúng tôi kêu gọi quân đội ngay lập tức thả các nhà lãnh đạo Myanmar", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói với các phóng viên ngày 3/2.

Trước đó, cán bộ truyền thông của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cho biết bà Aung San Suu Kyi, 75 tuổi, bị buộc tội theo luật xuất nhập khẩu của Myanmar. Cáo buộc của cảnh sát Myanmar cũng đề nghị tiếp tục tạm giữ bà đến ngày 15/2.

My len an quan doi Myanmar anh 1

Mỹ kêu gọi Myanmar ngay lập tức thả các nhà lãnh đạo, trong đó có bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: Reuters.

Cáo buộc bất thường này được đưa ra sau khi cảnh sát khám xét nhà bà Aung San Suu Kyi. Tại đó, họ tìm thấy những bộ đàm được cho là nhập khẩu trái phép và sử dụng bất hợp pháp, theo AFP.

Tổng thống Win Myint cũng bị cáo buộc vi phạm luật chống thiên tai, cụ thể là các biện pháp chống Covid-19, vào năm ngoái khi gặp gỡ các cử tri trong chiến dịch tranh cử.

Hành động của quân đội Myanmar ngày 1/2 đã vấp phải sự phản ứng ngày càng lớn của cộng đồng quốc tế.

Ngày 2/2, Mỹ chính thức gọi động thái của quân đội Myanmar là “đảo chính”. Tổng thống Joe Biden đồng thời đe dọa ra lệnh trừng phạt và sử dụng một số biện pháp khác buộc giới lãnh đạo quân đội Myanmar chịu trách nhiệm.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp khẩn vào ngày 2/2 nhưng không thể nhất trí đưa ra tuyên bố lên án cuộc chính biến vì không có đủ sự ủng hộ của 15 nước thành viên trong hội đồng.

Theo một số nhà ngoại giao, hội đồng không thể đưa ra tuyên bố vì Trung Quốc và Nga từ chối thông qua. Hai nước này lấy lý do cần gửi dự thảo về chính phủ đánh giá trước và họ "cần thêm thời gian".

Ngày 3/2, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế "tạo ra môi trường bên ngoài lành mạnh để Myanmar giải quyết những khác biệt một cách hợp lý", Tân Hoa xã đưa tin.

Cùng ngày, nhóm G7 gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ và Liên minh Châu Âu đã đưa ra tuyên bố lên án hành động của quân đội Myanmar.

Nội tình phía sau binh biến ở Myanmar

Nhà sử học Thant Myint U, cháu trai của cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc U Thant, nói sự kiện hôm 1/2 đã đẩy Myanmar vào một "tương lai rất khác".

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo ở Myanmar?

Cuộc chính biến tại Myanmar đã xảy ra một cách đầy chóng vánh, song hậu quả về kinh tế và chính trị được dự báo là sẽ tồn tại lâu dài.

Như Trần

Bạn có thể quan tâm