Sau gần một thập kỷ lãnh đạo, chính quyền dân cử của Myanmar đã bị giới quân sự lật đổ. Điều này đã đưa Myanmar quay lùi gần 60 năm, trở về thời kỳ quân đội nắm quyền từ năm 1962 đến năm 2010.
Chính quyền quân sự Myanmar cam kết sẽ tuân thủ hiến pháp năm 2008 của quốc gia này và sẽ trao lại quyền lực thông qua một cuộc bầu cử tự do và công bằng, song khung thời gian cụ thể vẫn chưa được đặt ra.
Các nhà kinh tế cho rằng cuộc chính biến chóng vánh này sẽ để lại hậu quả lâu dài về kinh tế.
Lời nào biện minh cho cuộc chính biến?
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar nổi lên sau khi đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi thắng lớn trong cuộc bầu cử hôm 8/11/2020.
Đảng NLD giành được 396 ghế (ứng với 83% tổng số ghế ở nghị viện), trong khi đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) do quân đội hậu thuẫn chỉ giành được 33 ghế, ít hơn số ghế họ đạt được trong cuộc bầu cử năm 2015.
Binh sĩ Myanmar đứng gác bên ngoài tòa nhà nghị viện nước này sau khi bà Aung San Suu Kyi bị quân đội bắt giữ. Ảnh: Getty. |
Giới quân sự cho rằng cuộc bầu cử có gian lận và đã khiếu nại lên Ủy ban bầu cử Myanmar. Tuy nhiên, giới chức bầu cử đã bác bỏ cáo buộc trên.
Để đáp trả, quân đội Myanmar đã tiến hành chính biến và biện minh bằng một điều khoản trong hiến pháp, trong đó cho phép quyền lực được chuyển từ tổng thống sang người đứng đầu lực lượng vũ trang nếu có nguy cơ an ninh và tình trạng khẩn cấp được ban bố.
Tổng thống Myanmar Win Myint, một đồng minh của bà Aung San Suu Kyi, nằm trong số hàng chục người bị bắt hôm 1/2. Phó tổng thống Myint Swe, một cựu tướng lĩnh quân đội, đã chuyển giao quyền lực cho Thống tướng Min Aung Hlaing - tổng tư lệnh quân đội.
Tướng Min Aung Hlaing, tư lệnh lực lượng quân đội Myanmar. Ảnh: Getty. |
Trong phát biểu đầu tiên sau cuộc chính biến ở Myanmar ngày 1/2, Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing nói việc giành kiểm soát là “hợp pháp” và “cách duy nhất".
Tướng Min Aung Hlaing nói việc quân đội giành lại quyền lực là “phù hợp pháp luật”, vì chính phủ không hành động trước các cáo buộc gian lận bầu cử mà quân đội đưa ra, theo AFP.
Trong khi đó, cảnh sát Myanmar ngày 3/2 đệ trình cáo buộc rằng bà Aung San Suu Kyi đã vi phạm luật xuất nhập khẩu của nước này, và đề nghị tiếp tục bắt giam bà đến ngày 15/2.
Với cáo buộc trên, bà Aung San Suu Kyi có thể đối mặt án tù lên tới 3 năm, theo New York Times.
Reuters ngày 3/2 dẫn tài liệu được cho là cáo trạng cho biết quân lính đã khám xét nhà của bà Suu Kyi.
Trong quá trình này, họ tìm thấy những bộ đàm được cho là nhập khẩu trái phép và sử dụng bất hợp pháp. Văn bản này cũng cho biết cựu Tổng thống Win Myint bị buộc tội vi phạm luật phòng chống thiên tai.
Văn bản của Reuters được thu thập từ một đồn cảnh sát ở thủ đô Naypyitaw. Đại diện đảng NLD xác nhận thông tin tội danh này với AFP.
Liệu quân đội Myanmar sẽ giao lại quyền lực?
Theo quy định của hiến pháp, tình trạng khẩn cấp này sẽ kéo dài 1 năm. Người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử "sau khi hoàn thành nhiệm vụ", và sẽ trao lại quyền lực cho đảng nào thắng cử.
Hiện ông Myint Swe, một cựu tướng quân đội và đương kiêm phó tổng thống, đang nắm vai trò tổng thống. Một điều đáng lưu ý là trong số các bộ trưởng vừa được bổ nhiệm, không vị trí nào tuyên bố mình được bổ nhiệm tạm thời.
Người biểu tình phản đối cuộc chính biến ở Myanmar, bên ngoài đại sứ quán nước này tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Getty. |
Giới quan sát cũng cho biết họ không tin quân đội sẽ từ bỏ quyền lực sau một năm. Trước đó, trong cuộc tổng tuyển cử năm 1990, đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi đã giành được 392 trong số 492 ghế. Tuy nhiên, chính quyền quân sự đã bác bỏ kết quả, và tiếp tục nắm quyền dưới danh nghĩa Hội đồng hòa bình và phát triển quốc gia.
Phải mất gần hai thập kỷ, quá trình chuyển tiếp sang thể chế dân chủ mới được triển khai ở Myanmar như đã cam kết.
Hậu quả kinh tế của cuộc chính biến
Chính phủ Mỹ đã đe dọa sẽ áp đặt lại các biện pháp trừng phạt lên Myanmar, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) lo ngại cuộc chính biến sẽ làm giảm triển vọng phát triển kinh tế và đảo ngược các thành tựu trong công cuộc chống đói nghèo tại quốc gia này.
Các nhà kinh tế học đồng tình rằng cuộc chính biến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế non trẻ của quốc gia này, khi sự bất ổn dễ khiến các quỹ phát triển quốc tế và những nhà đầu tư nước ngoài ngừng rót vốn. Các lệnh cấm vận và trừng phạt của phương Tây sẽ càng khiến nhiều nhà đầu tư chùn bước, và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu chắc chắn sẽ bị đình trệ do thiếu vốn và bất ổn.
Thêm vào đó, Myanmar hiện là một trong những nước bị dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất tại châu Á. Các biện pháp trừng phạt, cộng với bất ổn xã hội và đại dịch, chắc chắn sẽ làm đời sống của quốc gia 54 triệu dân này ngày càng khó khăn.
Cơ quan xếp hạng Fitch cho rằng nó "ảnh hưởng nặng nề đến quá trình hoạch định chính sách, ổn định xã hội cũng như sự uy tín quốc tế của nước này".