Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

WB: 'Chính biến ở Myanmar đe dọa sự phát triển của đất nước'

Ngân hàng Thế giới (WB) bày tỏ sự lo ngại về tình hình của Myanmar sau vụ chính biến. Tổ chức cảnh báo các sự kiện có thể cản trở quá trình chuyển đổi và phát triển của đất nước.

"Chúng tôi lo ngai về sự an toàn và an ninh của người dân ở Myanmar, bao gồm nhân viên và đối tác của chúng tôi. Chúng tôi cũng gặp khó khăn do các kênh liên lạc cả bên trong lẫn bên ngoài Myanmar đều bị chặn", Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết trong tuyên bố hôm 1/2.

Sáng sớm 1/2, quân đội Myanmar đã bắt giữ nhà lãnh đạo nước này, bà Aung San Suu Kyi, và những nhân vật cấp cao khác của đảng cầm quyền. Động thái trên bị các nhà lãnh đạo phương Tây lên án, đồng thời dẫn đến mối đe dọa về lệnh trừng phạt mới của Mỹ.

WB khẳng định đã là đối tác hỗ trợ Myanmar chuyển đổi sang dân chủ trong vòng 10 năm qua, cũng như giúp nước này đạt tăng trưởng bền vững và hòa nhập xã hội.

Trang web của WB liệt kê 900 triệu USD trong các cam kết cho vay với Myanmar vào năm 2020 và 616 triệu USD năm 2017. Kể từ khi đất nước mở cửa vào năm 2011, tỷ lệ nghèo đói đã giảm từ 48% năm 2005 xuống 25% năm 2017.

Tuy nhiên, sau năm 2016, đà cải cách chậm lại do chính phủ dân sự mới được bầu chật vật xác định tầm nhìn kinh tế, theo WB.

Kinh te Myanmar anh 1

Vụ bắt giữ diễn ra sau khi quân đội Myanmar tăng cường yêu cầu điều tra về cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử diễn ra năm ngoái. Ảnh: EPA.

WB dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của Myanmar sẽ giảm xuống còn 0,5% trong năm tài chính 2019-2020. Tỷ lệ này là 6,8% một năm trước đó. Tuy nhiên, nếu dịch Covid-19 kéo dài, nền kinh tế có thể thu hẹp tới 2,5%.

Các chuyên gia nhận định vụ chính biến có thể làm giảm sức hút của Myanmar đối với doanh nghiệp từ Mỹ và phương Tây. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ, tổng thương mại hàng hóa giữa Myanmar và Mỹ đạt gần 1,3 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2020, tăng từ 1,2 tỷ USD năm 2019.

Quần áo và giày dép chiếm khoảng 41% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Mỹ, tiếp đến là hành lý (30%) và cá (4%), theo đơn vị nghiên cứu chuỗi cung ứng Panjiva của S&P Global Market Intelligence.

Nhập khẩu của Mỹ tăng một phần do đòn thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, Myanmar vẫn chỉ đứng thứ 84 trong danh sách các nhà cung cấp hàng hóa của Mỹ.

Theo WB, tổng cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Myanmar đã tăng 33% lên 5,5 tỷ USD trong năm tài chính 2019-2020. Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo triển vọng là không chắc chắn do đại dịch và diễn biến thị trường.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm