"Lực lượng tấn công về chuỗi cung ứng thương mại" nằm dưới chỉ đạo của Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai, Reuters ngày 8/6 đưa tin.
Đơn vị này có nhiệm vụ theo dõi những hành vi sai phạm cụ thể ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng của Mỹ và có thể bị đáp trả bởi các biện pháp phòng vệ thương mại.
Một quan chức cấp cao cho biết Mỹ đã phải đối mặt những hành vi thương mại không công bằng từ "một số chính phủ nước ngoài", như trợ cấp doanh nghiệp hay cưỡng chế chuyển giao tài sản trí tuệ.
"Rõ ràng một số chính sách công nghiệp của Trung Quốc đã góp phần làm tổn thương chuỗi cung ứng của Mỹ. Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy lực lượng tấn công này tập trung tạo ra một số khía cạnh trong chính sách Trung Quốc của chúng tôi", quan chức Mỹ cho biết.
Bên cạnh đó, quan chức Mỹ cũng tiết lộ Bộ Thương mại nước này đang cân nhắc khởi động cuộc điều tra đối với tác động về an ninh quốc gia từ việc nhập khẩu nam châm neodymium, thiết bị được sử dụng trong động cơ và các sản phẩm công nghiệp khác mà Mỹ chủ yếu mua từ Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty. |
Tổng thống Joe Biden hồi tháng 2 đã chỉ đạo chính phủ Mỹ rà soát lại chuỗi cung ứng các sản phẩm quan trọng.
Nhà Trắng yêu cầu các cơ quan hành pháp báo cáo lại trong vòng 100 ngày nguy cơ đe dọa khả năng tiếp cận các hàng hóa quan trọng mà Mỹ phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài như các thành phần dược phẩm, đất hiếm.
Dù không công khai nhắm vào Trung Quốc, chỉ thị nói trên là một phần trong chiến lược của Tổng thống Biden nhằm củng cố tính cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ trước các thách thức mà Bắc Kinh mang lại.
Trong những tháng đầu đại dịch Covid-19 bùng phát, nỗ lực thu mua thiết bị y tế của Mỹ gặp nhiều khó khăn. Giờ đây, Mỹ tiếp tục đối mặt thách thức trong tiếp cận nhiều loại hàng hóa, trong đó có chip máy tính, ảnh hưởng tới khả năng sản xuất nhiều mặt hàng, trong đó có ôtô.