Quân đội Mỹ sẽ thành lập các lực lượng đặc nhiệm tập trung vào chiến tranh mạng và các lĩnh vực phi thông thường khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong hai năm tới, như một phần nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm đối phó với các hoạt động quân sự của Trung Quốc và tăng cường liên kết với các đối tác khu vực, theo một quan chức quân sự hàng đầu của Washington.
Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy hôm 10/1 cho biết 2 đơn vị "hoạt động đa miền" (MDO) sẽ được thành lập trong năm tài khóa 2021 và 2022, sẽ tập trung vào các lĩnh vực tình báo, thông tin, mạng Internet, chiến tranh điện tử và không gian, được biết đến trong quân đội với tên gọi "I2CEWS", theo South China Morning Post.
Nhấn mạnh rằng "hiện diện không có nghĩa là xung đột", ông McCarthy nói việc khu vực chứng kiến sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng "với vũ khí tân tiến, ngay bên cạnh các đối tác của chúng ta, làm thay đổi tính toán và tạo ra tình huống tiến thoái lưỡng nan cho những kẻ thù tiềm năng", đồng thời chỉ ra Trung Quốc là "mối đe dọa chiến lược" đang nổi lên với Mỹ.
Hiện tại, nếu xung đột với "một đối thủ cạnh tranh quyền lực lớn xảy ra", thì Mỹ sẽ không thể dễ dàng tấn công các vị trí chiến lược và chuyển quân một cách an toàn, ông McCarthy, người từng phục vụ tại Afghanistan, cho biết.
Đưa ra giải pháp để kết hợp nhiều khía cạnh của chiến tranh, MDO sẽ tạo ra "lợi thế bất đối xứng" cho Mỹ, theo vị bộ trưởng.
Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy. Ảnh: Reuters. |
Phát biểu tại Viện Brookings ở Washington, ông McCarthy không nói rõ lực lượng đặc nhiệm mới sẽ đóng ở đâu, nhưng cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg rằng các đảo phía đông Đài Loan và Philippines có thể là địa điểm.
Kế hoạch của Mỹ trong việc tung ra mô hình hoạt động mới đã thúc đẩy các đồng minh trong khu vực, bao gồm Nhật Bản, Thái Lan và Singapore, phát triển các khái niệm giống MDO của riêng họ, ông McCarthy nói.
Động thái của Lầu Năm Góc chắc chắn sẽ làm phật ý Bắc Kinh, vốn đã tức giận vì sự can dự của quân đội Mỹ tại khu vực, nhất là việc hỗ trợ Đài Loan về quân sự.
Được Bộ Quốc phòng Mỹ ấn định là "chiến khu hàng đầu" của họ, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nơi có nhiều quốc gia đông dân nhất, các nền kinh tế lớn nhất và các lực lượng quân sự lớn nhất thế giới.
Việc Lầu Năm Góc xoay trục rời Nga và châu Âu để hướng về phía Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh Mỹ nghi ngờ ý đồ địa chính trị và chỉ trích hành động quân sự của Trung Quốc tại khu vực. Những lo ngại này đã thúc đẩy một số sáng kiến của chính phủ Mỹ nhằm tăng cường ảnh hưởng của họ tại đây.
Washington tiếp tục khẳng định sự hiện diện quân sự tại khu vực thông qua các hoạt động tự do hàng hải trên biển và trên không, thách thức yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại các vùng biển tranh chấp như Hoa Đông và Biển Đông.
Mỹ cũng sẽ tiến hành đưa quân luân chuyển tới các quốc gia bao gồm Thái Lan, Philippines và Papua New Guinea, mỗi nơi 5 tháng. Bắt đầu từ năm nay, việc này sẽ tập trung vào công tác đào tạo lực lượng cho nước chủ nhà, bao gồm hướng dẫn sử dụng các thiết bị mới được sản xuất tại Mỹ.