"Sự trở lại của cuộc cạnh tranh siêu cường và một nước Nga đang lên yêu cầu NATO cần tái tập trung lại vào Đại Tây Dương để đảm bảo sự chi viện tận tâm đối với châu lục và chứng tỏ hiệu quả ngăn chặn đáng tin cậy", Guardian dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc Johnny Michael.
Lầu Năm Góc tuyên bố bộ chỉ huy NATO mới sẽ là "đinh chốt" cho an ninh xuyên Đại Tây Dương.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Ross đậu tại cảng hải quân Rota ở Tây Ban Nha. Ảnh: AFP. |
Động thái trên phản ánh những lo lắng khắp châu Âu và bên trong NATO trước việc Nga tăng cường hiện diện quân sự và tuần tra ở khu vực Đại Tây Dương. Cũng theo kế hoạch mới, Mỹ sẽ đặt trụ sở của Bộ Chỉ huy Đại Tây Dương mới ở Norfolk, Virginia.
Các điểm chính trong kế hoạch được thông qua tại cuộc họp của bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên NATO hồi tháng 2.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khi đó đã nói với các phóng viên: "Chúng tôi thấy một nước Nga đã tự tin hơn nhiều, chúng tôi đã thấy một nước Nga đã nhiều năm đầu tư mạnh mẽ vào khả năng quân sự, hiện đại hóa khả năng quân sự, không chỉ với các lực lượng thường thấy mà cả lực lượng hạt nhân".
Ông cho biết Bộ Chỉ huy Đại Tây Dương sẽ là lực lượng thiết yếu để NATO có thể ứng phó với các mối nguy mới. NATO cũng đã thành lập bộ chỉ huy hậu cần mới, dự kiến đặt trụ sở tại Đức.
Trong một diễn biến khác, Hải quân Mỹ đã tái kích hoạt Hạm đội thứ Hai, đơn vị vốn bị sáp nhập hồi năm 2011 để cắt giảm ngân sách. Hạm đội này sẽ điều khiển tàu bè, máy bay và các lực lượng đổ bộ ở bờ Đông và Bắc của Đại Tây Dương, tham gia huấn luyện và tiến hành các nhiệm vụ hàng hải trong khu vực.
Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson nói rằng động thái này diễn ra giữa lúc môi trường an ninh "ngày càng trở nên phức tạp và nhiều thách thức".