Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B của Trung Quốc bị mất kiểm soát và dự kiến rơi xuống Trái Đất vào cuối tuần. Phần còn lại của tên lửa Trường Chinh có chiều dài khoảng 30 m.
Đây là phần tên lửa tái nhập khí quyển không được kiểm soát lớn nhất từ trước đến nay. Một số chuyên gia lo ngại nó có thể rơi xuống khu vực có người ở, Guardian cho biết.
Phát biểu với báo giới hôm 6/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, cho biết hy vọng tên lửa sẽ hạ cánh xuống đại dương và ước tính mới nhất là nó sẽ rơi xuống khoảng giữa ngày 8 và 9/5.
“Chúng tôi có thể làm rất nhiều việc, nhưng chúng tôi không có kế hoạch bắn hạ nó. Chúng tôi hy vọng nó sẽ hạ cánh ở một nơi mà nó không gây hại cho bất kỳ ai. Hy vọng ở đại dương hoặc nơi nào đó tương tự”, Bộ trưởng Austin nói.
Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B mang theo module trạm vũ trụ Thiên Cung được phóng lên quỹ đạo hôm 29/4. Ảnh: Getty. |
Jen Psaki, thư ký báo chí Nhà Trắng, hôm 6/5 cho biết Mỹ cam kết giải quyết các rủi ro từ mảnh vỡ vũ trụ và muốn làm việc với cộng đồng quốc tế, để thúc đẩy sự lãnh đạo và các hành vi có trách nhiệm trong không gian”.
Trong khi đó, Global Times, phụ san tờ Nhân dân nhật báo của đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết phần còn lại của tên lửa Trường Chinh mất kiểm soát và có thể gây thiệt hại là “sự cường điệu hóa của phương Tây”.
Tờ báo này trích dẫn những người trong lĩnh vực không gian của Trung Quốc nói rằng vụ việc “không đáng phải lo lắng”.
Tên lửa Trường Chinh 5B được phóng đi từ bãi phóng ở đảo Hải Nam ngày 29/4, mang theo module trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. Đây là vụ phóng module trạm Thiên Cung đầu tiên trong 11 module cần thiết để hoàn thành trạm.