Bộ phận này, là một tầng của tên lửa Trường Chinh 5B được phóng lên đầu tháng 5, là mảnh rác vũ trụ lớn thứ 5 từng rơi vào bầu khí quyển Trái Đất không kiểm soát, theo các chuyên gia chuyên theo dõi rác vũ trụ và vệ tinh. Đây là vật thể lớn nhất trong gần ba thập kỷ rơi xuống Trái Đất không kiểm soát, cho thấy nguy cơ từ các vật thể như vậy.
Theo chuyên trang Spaceflight Now, vật thể dài khoảng 30 mét và rộng 5 mét, có khối lượng xấp xỉ 20 tấn.
Tầng tên lửa này đi vào bầu khí quyển Trái Đất vào 11h33 ngày 11/5 (giờ Washington), bay phía trên Đại Tây Dương, theo Phi đoàn Kiểm soát Không gian 18 của Lực lượng Không gian Mỹ (18 SPCS).
Khoảng 15-20 phút trước đó, bộ phận tên lửa bay phía trên thành phố New York, theo Jonathan McDowell, nhà thiên văn ở Trung tâm Vật lý Vũ trụ Harvard-Smithsonian.
“Trong quỹ đạo cuối cùng quanh Trái Đất, tầng tên lửa tình cờ bay ngay phía trên thành phố Los Angeles và New York”, ông McDowell nói. “Một sự tình cờ lạ lùng khi nó bay phía trên hai khu đô thị lớn trong quỹ đạo cuối. Và nếu nó rơi xuống sớm hơn, có lẽ đã có chuyện”.
Mô phỏng đường đi của tên lửa Trường Chinh 5B trên đoạn cuối quỹ đạo hôm 11/5. Nó tái nhập bầu khí quyển ở phía bắc Đại Tây Dương, gần bờ biển Tây Phi. Ảnh: Aerospace Corp. |
Tên lửa Trường Chinh 5B được phóng lên quỹ đạo hôm 5/5 từ bãi phóng Văn Xương trên đảo Hải Nam, mang theo nguyên mẫu tàu vũ trụ thử nghiệm thế hệ tiếp theo của Trung Quốc.
Một khi trở lại quỹ đạo tầng thấp, tầng tên lửa có thể đã có tốc độ bay gần 29.000 km/h, nhưng ma sát có thể đã khiến bộ phận này giảm tốc đáng kể và bùng cháy trong khí quyển. Ông McDowell ước tính các mảnh không cháy hết sẽ va vào mặt đất với vận tốc 160 km/h.
“Như vậy không thể xóa sổ New York”, ông nói với NBC. “Nhưng có thể phá hỏng một tầng của một tòa nhà, dù thế nào thì chúng ta cũng không hề muốn như vậy”.
Tên lửa Trường Chinh 5B được phóng lên từ đảo Hải Nam của Trung Quốc ngày 5/5. Ảnh: AFP. |
Một số mảnh còn sót lại của tầng tên lửa có thể đã rơi xuống Bờ biển Ngà ở Tây Phi, nơi mà truyền thông và người dân địa phương ghi nhận vật thể hình ống dài 12 m và các mảnh rác kim loại khác. Nguồn gốc các vật thể này chưa được xác nhận, nhưng ông McDowell nói các vị trí đó nằm trên đường bay được dự đoán khi tầng tên lửa quay trở lại khí quyển.
Ông McDowell cho biết một số ghi nhận cho thấy các mảnh rác đã rơi xuống một mái nhà ở Bờ biển Ngà, nhưng cho đến nay chưa có ghi nhận thương vong.
Các phương tiện không gian thường xuyên tái nhập bầu khí quyển. Quỹ đạo tái nhập bầu khí quyển của các tên lửa vốn rất khó dự đoán, vì chúng di chuyển với vận tốc hàng nghìn km một giờ. Hầu hết bộ phận của vật thể sẽ bốc cháy trên không, chỉ một số phần rắn và dày có thể rơi xuống bề mặt Trái Đất.
Một tầng tên lửa Trường Chinh 5B trong một nhiệm vụ trước đó. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Nhưng chúng hiếm khi có kích cỡ lớn như lần này và thường được trang bị thiết bị định hướng di chuyển để trở về Trái Đất một cách an toàn, tiêu biểu là rơi xuống Nam Thái Bình Dương. Tên lửa của Trung Quốc lần này có vẻ không như vậy.
“Phải chế tạo sao cho sau khi đưa vệ tinh vào quỹ đạo rồi, thì động cơ có thể tái khởi động để định hướng tầng tên lửa rơi xuống Nam Thái Bình Dương, để nó không rơi vào ai”, ông McDowell nói.
“Tầng tên lửa này (Trường Chinh 5B) được cho là rơi xuống quỹ đạo tầm thấp, để rồi rơi xuống do ma sát. Chắc chắn đó không phải cách thức lý tưởng theo tiêu chuẩn quốc tế hiện nay”.
Trước đó, các khối rác vũ trụ lớn rơi trở lại Trái Đất trong lịch sử bao gồm trạm không gian Skylab năm 1979, tầng tên lửa của Skylab năm 1975 và Salyut-7, trạm không gian của Liên Xô, năm 1991.