Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ kêu gọi hỗ trợ chính phủ Tổng thống Erdogan

Nhà Trắng phát đi thông báo kêu gọi các lực lượng tại Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan chống lại âm mưu đảo chính để ổn định tình hình đất nước.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: ABC News

Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry đã thảo luận qua điện thoại để bàn phương án hỗ trợ cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, sau khi đảo chính quân sự xảy ra ở quốc gia này.

“Tổng thống và ngoại trưởng đã thống nhất rằng, các bên liên quan tại Thổ Nhĩ Kỳ nên ủng hộ chính phủ dân chủ được bầu cử hợp pháp. Các bên cần kiềm chế, tránh bạo lực hoặc đổ máu”, Reuters dẫn thông báo phát đi từ Nhà Trắng.

Tổng thống Erdogan nắm quyền điều hành đất nước từ năm 2003.

Quân đội tuyên bố nắm quyền kiểm soát Thổ Nhĩ Kỳ vào đêm 15/7. Tuy nhiên sáng sớm 16/7, Tổng thống Erdogan đã trở về cho thấy cuộc đảo chính có dấu hiệu thất bại.

Nếu đảo chính thành công, đây sẽ là biến cố chính trị lớn nhất Trung Đông trong năm nay. Tổng thống Erdogan bị cáo buộc là độc tài và thường xuyên gây hấn với các nước láng giềng như Israel, Iran, Nga và Liên minh châu Âu khi cố gắng thể hiện vai trò lớn hơn của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông.

Quan hệ giữa Ankara và Washington xấu đi trong thời gian gần đây. Mỹ phàn nàn rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không nhiệt tình trong cuộc chiến chống sự bành trướng của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trong khi đó, Tổng thống Erdogan nổi giận khi Mỹ hậu thuẫn cho chiến binh người Kurd ở Syria. Đây là tổ chức có quan hệ mật thiết với quân nổi dậy người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, Ankara là đồng minh quan trọng của Washington ở Trung Đông. Lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại căn cứ không quân Incirlik để không kích IS không bị ảnh hưởng bởi cuộc đảo chính. Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi công dân Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ nên “trú ẩn tại chỗ và ở trong nhà”.

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton cho biết bà ủng hộ chính phủ dân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ và đang theo dõi sát sao sự kiện “với mối quan tâm lớn”.

Lãnh đạo châu Âu ủng hộ Erdogan

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kêu gọi nhanh chóng thiết lập trật tự theo Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ và nhấn mạnh rằng, căng thẳng không thể giải quyết bằng tiếng súng. “Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác quan trọng của Liên minh châu Âu (EU). EU hỗ trợ đầy đủ chính phủ dân cử, các tổ chức trong nước theo quy định của pháp luật”, Tusk phát biểu trong một hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra tại Mông Cổ.

Dao chinh o Tho Nhi Ky anh 1
Người dân bao vây một xe thiết giáp của quân đội. Ảnh: CNN

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ dân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ. “Các trật tự dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ phải được tôn trọng. Tất cả mọi thứ cần thiết phải được thực hiện để bảo vệ cuộc sống con người”, phát ngôn viên của bà Merkel, Steffen Seibert cho biết trên Twitter.

Quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng khi Quốc hội Đức thông qua nghị quyết gọi cuộc thảm sát người Armenia vào năm 1915 của lực lượng quân sự Đế quốc Ottoman là diệt chủng. Ankara đã triệu đại sứ Đức để phản đối nghị quyết.

Tân Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết, ông rất lo ngại trước sự kiện đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi hàng nghìn người châu Âu, trong đó có người Anh đang du lịch.

Kyodo News dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, chính phủ dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ phải được tôn trọng. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif chia sẻ trên Twitter rằng "sự ổn định, dân chủ và an toàn của người dân Thổ Nhĩ Kỳ là tối quan trọng"

Nga, Trung kêu gọi sớm ổn định

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, Moscow đang theo dõi sát sao tình hình ở Ankara. Điện Kremlin đã chỉ thị cho các cơ quan hỗ trợ công dân Nga trở về nước trong thời gian sớm nhất. Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi sớm lập lại trật tự và ổn định.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng 3 cửa khẩu biên giới với Bulgaria. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Bulgaria kêu gọi công dân tránh di chuyển đến nước láng giềng phía nam. Malaysia, Hàn Quốc, Mexico và New Zealand kêu gọi công dân ở Thổ Nhĩ Kỳ phải thận trọng, ở trong nhà và theo dõi tình hình trên phương tiện truyền thông địa phương.

Tại Syria, hàng trăm người đã đổ ra đường ăn mừng khi quân đội tuyên bố nắm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ. Người dân địa phương cho biết, hàng chục xe ô tô đã chạy vòng quanh quận Mazzeh ở thủ đô Damascus, vẫy cờ và hô to khẩu hiệu “Thiên chúa, Syria và Bashar”.

Lực lượng ủng hộ chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad xem tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là “kẻ thù”. Damascus cáo buộc Ankara châm ngòi và hậu thuẫn cho lực lượng phiến quân chống chính phủ trong cuộc nội chiến kéo dài 5 năm ở Syria.

Người Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường bất chấp lệnh giới nghiêm

Trong khi quân đảo chính tuyên bố nắm quyền, người dân đáp lại cuộc gọi qua Facetime của Tổng thống Erdogan và tràn xuống đường để ủng hộ ông bất chấp lệnh giới nghiêm.

Đảo chính thất bại, Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào hỗn loạn

60 cảnh sát, binh sĩ, dân thường thiệt mạng trong các vụ đụng độ ở Ankara và Istanbul. 754 người quân đảo chính bị bắt nhưng phe chính phủ vẫn chưa nắm chắc quyền kiểm soát.


Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm