Tiếng súng và thuốc nổ vẫn làm rung chuyển Istanbul và thủ đô Ankara nhưng đến sáng sớm ngày 16/7 có nhiều dấu hiệu cuộc đảo chính đang dần tan rã.
Nếu cuộc lật đổ ông Erdogan, người giữ chức tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2003, đạt được thành công sẽ đánh dấu một trong những biến chuyển lớn nhất tại Trung Đông trong nhiều năm và làm thay đổi cục diện của một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ. Nhưng nếu cuộc đảo chính thất bại, nỗ lực đảo chính vẫn có khả năng làm mất ổn định khu vực chủ chốt của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Tayyip Erdogan kêu gọi người dân chống đảo chính qua cuộc gọi video. Ảnh: BBC. |
“Chúng ta sẽ vượt qua,” Erdogan nói trong cuộc gọi video qua điện thoại, theo CNN. Ông phát đi thông điệp người dân hãy xuống đường để bảo vệ chính quyền và lực lượng đảo chính sẽ phải trả giá đắt.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông Erdogan gửi tin nhắn video từ Marmaric trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ khi ông đang đi nghỉ dưỡng và khẳng định ông sẽ đáp máy bay xuống Istanbul nhanh nhất có thể.
“Tôi sẽ không thỏa hiệp. Lá cờ là danh dự của tôi, đất nước là danh dự của tôi và đó là lý do tôi đến đây để chết. Tôi đã sẵn sàng chết,” Tổng thống Edrogan nói thêm.
Người đứng đầu lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết không quân đã bắn hạ một chiếc trực thăng của quân đảo chính tại Ankara. Theo Anadolu, 17 cảnh sát đã bị giết tại trụ sở đặc nhiệm chính.
Người dân tràn xuống đường để đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Erdogan, thách thức lệnh giới nghiêm chỉ cho phép người dân ở trong nhà của quân đảo chính.
“Chúng tôi có thủ tướng, chúng tôi có chỉ huy, chúng tôi sẽ không để đất nước này rơi vào tình trạng suy đồi,” một người dân trong nhóm ủng hộ tổng thống la lớn khi leo lên một xe tăng gần sân bay Ataturk tại Istanbul.
AFP dẫn lời một người dân giấu tên cho biết: “Chúng tôi rất tức giận với quân đội, họ đang giết chúng tôi, họ đang giết những công dân của mình.”
“Thổ Nhĩ Kỳ đang trong biển lửa,” Fethi Karabas, một hướng dẫn viên du lịch tại quảng trường Taksim cho biết. “Chúng tôi hy vọng mọi thứ sẽ ổn,” anh nói thêm, “Thổ Nhĩ Kỳ đã ở trong tình trạng xung đột gần 15 năm nay… đây là đỉnh điểm của mâu thuẫn.”
Người dân tràn xuống đường ủng hộ tổng thống tại quảng trường Taksim, Istanbul. Ảnh: Getty Images. |
Mỹ tuyên bố ủng hộ chính phủ của ông Erdogan. Ngoại trưởng John Kerry cho biết ông đã gọi điện cho Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và nhấn mạnh về "sự ủng hộ tuyệt đối cho chính quyền dân chủ , chính phủ dân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và các tổ chức dân chủ ".
Đám đông, trong số đó có nhiều người vẫy cờ Thổ Nhĩ Kỳ, tập trung ở quảng trường chính tại Istanbul và Ankara để ủng hộ chính phủ. Cảnh sát thúc giục người dân nên rời khỏi quảng trường Taksim tại Istanbul, cảnh báo máy bay quân đội có thể khai hỏa.
CNN Türk đưa tin, quân đảo chính đang nhanh chóng chiếm Ankara khi hai xe buýt chở đầy lính tiến vào trụ sở tin tức TRT, sau đó kênh này bắt đầu chiếu loạt tin về dự báo thời tiết. CNN Türk cũng đã ngưng phát sóng khi quân đảo chính tiến vào phòng thu.
Tuyên bố của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được lan truyền dưới dạng một tin tức bình thường trên kênh TRT, thông báo rằng quân đội đã nắm quyền để “sắp xếp lại trật tự chính quyền, quyền dân chủ, nhân quyền và tự do, để đảm bảo rằng những luật lệ mới sẽ một lần nữa điều hành đất nước,” hãng thông tấn tư nhân Dogan đưa tin.
Quân đội tuyên bố “tất cả những hiệp định và ký kết quốc tế sẽ được bảo toàn. Chúng tôi bảo đảm mối quan hệ tốt với tất cả các quốc gia.” Theo một người dân địa phương, tin ngắn được thông báo dưới tên “Hội đồng hòa bình.”