Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỹ kết hợp sức mạnh tàu chiến để đối phó Trung Quốc

Mỹ sẽ điều tàu chiến của Hạm đội 3 đến Đông Á và kết hợp sức mạnh với Hạm đội 7, trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến Trung Quốc ở khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên ngày 14/6 cho biết, nhóm tác chiến của Hạm đội 3 Hải quân Mỹ, bao gồm tàu khu trục USS Spruance và USS Momsen, đã được triển khai đến khu vực Đông Á hồi tháng 4 và sẽ có thêm tàu được điều đến khu vực này trong tương lai. Nguồn tin cho hay tàu chiến của Hạm đội 3 sẽ tham gia một loạt chiến dịch, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Trả lời Nikkei Asian Review, Đô đốc Scott Swift, chỉ huy Hạm đội 3, nhấn mạnh động thái trên diễn ra trong "bối cảnh bất ổn và căng thẳng trong khu vực", ám chỉ hành động hung hăng của Trung Quốc.

Theo ông Swift, Hải quân Mỹ nên sử dụng sức mạnh tổng hợp của 140.000 thuỷ thủ, hơn 200 tàu và 1.200 phi cơ cấu thành Hạm đội Thái Bình Dương. Hạm đội 7 có nhóm tàu sân bay tấn công, 80 tàu và 140 phi cơ. Trong khi đó, Hạm đội 3 có hơn 100 tàu, bao gồm 4 tàu sân bay.

My dieu them tau chien doi pho Trung Quoc anh 1
Tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường USS Spruance. Ảnh: US Navy

Hạm đội 7, đóng căn cứ ở Yokosuka, Nhật Bản và Hạm đội 3, đóng ở thành phố San Diego, bang California, Mỹ, hiện bị chia cắt phạm vi hoạt động bởi Đường đổi ngày quốc tế gần bang Hawaii. Hạm đội 3 có nhiệm vụ chính là bảo vệ nước Mỹ, trong khi đó Hạm đội 7 chiụ trách nhiệm khu vực từ Hawaii đến biên giới Ấn Độ - Pakistan, bao gồm Biển Đông. Việc kết hợp sức mạnh đồng nghĩa với việc tàu chiến Hạm đội 3 sẽ mở rộng hoạt động ở tây Thái Bình Dương. 

Bình luận của ông Swift được đưa ra vài ngày sau khi một tàu hộ tống của Trung Quốc đi vào "vùng tiếp giáp" gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Đô đốc cho biết ông nhận thấy "vấn đề chung" này đang xảy ra ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông. 

Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định động thái trên nằm trong kế hoạch chuyển 60% sức mạnh Hải quân Mỹ đến châu Á của Tổng thống Barack Obama, nhằm tái cân bằng nguồn lực trong khu vực để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông thông qua yêu sách "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò". Nước này cũng liên tục bồi lấp, xây dựng loạt cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo và âm mưu quân sự hóa Biển Đông. 

Mỹ thêm nanh vuốt cho chiến hạm ven biển

Hải quân Mỹ đang nghiên cứu trang bị tên lửa Tomahawk cho phiên bản mới của tàu chiến ven biển LCS nhằm nâng cao sức mạnh tác chiến trong tương lai.

 

Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm