Khi Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ (SED) khép lại ngày 7/6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hoan nghênh những cuộc hội đàm là một "cơ chế cần thiết" để các bên bày tỏ quan điểm và thảo luận về hợp tác.
Tuy nhiên, phát biểu của cả ông Kerry và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì sau đó lại cho thấy chính phủ 2 nước vẫn bất đồng sâu sắc về tình hình tranh chấp ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại buổi họp báo sau cuộc đối thoại quan trọng. Ảnh: Reuters |
Ngoại trưởng Kerry lặp lại quan điểm của Washington là Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp, nhưng tất cả các bên đều cần thực thi tự kiềm chế. "Mỹ ủng hộ mọi giải pháp đàm phán và biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp, nhưng rất lo ngại về những hành động đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng", theo Reuters.
Trong khi đó, ông Dương Khiết Trì nói Trung Quốc kiên quyết phản đối vụ kiện mà Philippines "đơn phương" tiến hành, khẳng định sẽ không chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA).
"Điều này đã và sẽ không thay đổi được chuyện gì", ông Dương nhấn mạnh. Quan chức Trung Quốc cũng nói rõ quan điểm của Bắc Kinh là sẵn sàng đàm phán để giải quyết tranh chấp, nhưng chỉ thảo luận song phương với từng bên liên quan.
Dương Khiết Trì tiếp tục những giọng điệu phi lý rằng "chủ quyền của Trung Quốc ở các quần đảo trên Biển Đông đã có từ thời xa xưa. Trung Quốc có mọi lợi ích và quyền lãnh thổ, hàng hải hợp pháp".
Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc cũng tỏ ý "nhắc nhở" Ngoại trưởng Kerry rằng "Bắc Kinh hy vọng Mỹ tuyệt đối tuân thủ lời hứa không đứng về phe nào trong tranh chấp".
Các khu vực mà Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Biển Đông. Ảnh: NYT |
Đối thoại SED năm nay diễn ra trong năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Hiện vẫn chưa rõ tân tổng thống sắp tới sẽ dành bao nhiêu sự chú trọng đối với sự kiện này. Tuy nhiên, cả quan chức Mỹ và Trung Quốc đều thừa nhận ý nghĩa của việc đối thoại liên tục trực tiếp với nhau, dù khi cả 2 không đạt được giải pháp nào.
Từ Bắc Kinh, một quan chức Mỹ cấp cao nói với New York Times rằng, tại cuộc họp với Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 3, Tổng thống Obama đã cảnh báo về nguy cơ chạm trán trên biển, cũng như tuyên bố nghĩa vụ bảo vệ của Mỹ đối với đồng minh hiệp ước là Philippines.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông đang ở mức cao sau khi Trung Quốc ngang ngược bồi lấp nhiều bãi đá mà họ chiếm trái phép thành đảo nhân tạo, đồng thời ráo riết thực hiện chủ trương quân sự hóa vùng biển này.
Mỹ tuyên bố đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc không dựa trên cơ sở pháp lý. Nhà Trắng từng nhiều lần điều tàu và phi cơ tuần tra gần những đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp, bất chấp sự giận dữ của Bắc Kinh.