Một phụ nữ lớn tuổi sống trong chiếc lều tạm bợ ở Al-Mawasi, giữa lúc Israel vẫn tấn công Rafah, Gaza hôm 15/10. Ảnh: Anadolu. |
Lá thư gửi hôm 13/10, do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cùng viết, được gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và Bộ trưởng các vấn đề chiến lược Ron Dermer.
Theo CNN, trong lá thư, hai bộ trưởng viết Mỹ rất quan ngại về Dải Gaza và yêu cầu “chính phủ của ngài hành động khẩn cấp và lâu dài ngay trong tháng 10 để đảo ngược tình hình”. Họ nhấn mạnh kể từ mùa xuân, lượng viện trợ chuyển đến Gaza giảm hơn 50%, trong khi lượng viện trợ tháng 9 “ở mức thấp nhất trong năm qua”.
Ông Blinken và ông Austin đặc biệt lo ngại các hành động gần đây của chính phủ Israel - cùng với tình trạng vô pháp luật và cướp bóc gia tăng - đang góp phần làm tình hình ở Dải Gaza xấu đi nhanh chóng.
Trong số này, hai bộ trưởng liệt kê việc Israel dừng nhập khẩu thương mại; từ chối hoặc cản trở gần 90% hoạt động nhân đạo giữa miền Bắc và miền Nam Gaza trong tháng 9; thiết lập quy định mới về thẩm tra và trách nhiệm pháp lý - hải quan với nhân viên và lô hàng nhân đạo;...
Lá thư lưu ý Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, theo luật pháp Mỹ, “phải liên tục đánh giá” liệu Israel có tuân thủ các cam kết đã đưa ra từ đầu năm 2024, khi Tel Aviv khẳng định sẽ không hạn chế dòng viện trợ vào khu vực này. Hạn chót đưa ra báo cáo của hai bộ là sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5/11.
CNN nhận định động thái mới nhất này là bước đi quan trọng của Washington nhằm buộc Israel tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.
Kể từ khi xung đột Hamas - Israel nổ ra vào ngày 7/10/2023, tính tới ngày 15/10, Cơ quan Y tế tại Gaza cho biết ít nhất 42.344 người đã thiệt mạng và hơn 99.000 người bị thương.
Trong khi đó, Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 15/10 cho biết quân đội Israel gần như “cô lập hoàn toàn miền Bắc Gaza khỏi phần còn lại của Dải Gaza”, Guardian đưa tin.
Vấn đề Trung Đông
Tri Thức - Znews giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...